Một cầu thủ đội U.22 Việt Nam kể lại: “Sân cỏ nhân tạo lại không phải vấn đề lớn nhất khi chúng tôi tham dự SEA Games 30 tại Philippines, mà là việc di chuyển đến địa điểm tập luyện và chuyện ăn uống. Ngày nào thầy Park cùng ban huấn luyện và chúng tôi cũng khá tốn thời gian để bàn những vấn đề này.
Thầy Park kỹ lắm. Hôm đầu sang đây, thầy đã nhờ bác sĩ Choi thẩm định thực đơn. Bác sĩ Choi nói ăn uống thiếu thế này thì rất gay, cầu thủ không thể đủ sức thi đấu nên đề nghị bộ phận hậu cần của ban tổ chức SEA Games bổ sung thêm 3 món. Ông Park đồng ý và nhấn mạnh thêm là 3 món đó do Việt Nam tự trả tiền. Ông Park còn hỏi nếu phía bạn nấu phở cho đội Việt Nam thì tốt quá, nhưng không biết có được đáp ứng không. Cán bộ chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) liền bảo ngay, nếu chúng ta cố nì nèo thì ban tổ chức cũng sẽ giúp thôi. Ông Park bảo ờ ờ, thế thì tốt”.
|
Không muốn các học trò của mình quá bất an về những vấn đề hậu trường, HLV Park làm công tác tư tưởng: “Mình không thể chờ đợi nhiều vì nhiều thứ sẽ không được như ý mình mong muốn đâu. Mọi cái ở mức gọi là chấp nhận được chứ không đến nỗi quá tệ. Ban tổ chức SEA Games họ nói sẽ bố trí cho mình chỗ ăn riêng nhưng thật ra cũng khó chứ không đơn giản đâu. Bây giờ không gian riêng không có vì các đội khác người ta cũng vào. Thế chả nhẽ mình đứng hết cả lên à. Nên phải chia nhóm ra ngồi sao cho phù hợp. Phải khắc phục khó khăn”.
Ông Park còn tinh ý đến mức phát hiện ra: “Thêm điều nữa là hạt cơm ở Philippines không ngon. Gạo rất lbở. Nhưng khi nấu lên, gạo cứ dính vào với nhau, không thành từng hạt từng hạt. Mình ở Việt Nam mình đâu có ăn gạo như này đâu”. Khi cán bộ chuyên môn của VFF nói sẽ đề nghị ban tổ chức nấu cho Việt Nam nồi riêng, gạo phải là loại gạo khác, ông Park lại bảo thế thì tốt. Các bữa ăn kế tiếp, chất lượng nồi cơm đúng là được cải thiện, ngon hơn hẳn.
|
Thời kỳ đội U.22 Việt Nam thi đấu tại SEA Games 30, vấn đề nan giải khác nữa khiến ông Park và đội ngũ trợ lý phải đau đầu liên quan đến sân tập. Ông Park kêu: “Nhìn lịch trình, thấy toàn phải di chuyển mất một tiếng rưỡi. Thế thì chết à”. Trợ lý Kim Han-yoon phân tích kỹ hơn: “Cái sân tập đầu tiên đi khoảng 10 phút thôi. Sân thứ 2 mình đi khoảng 55 phút nhưng sân này là sân tư nhân. Sân tư nhân nên mình phải trả tiền. Cỏ ở đó cũng không được tốt đâu mà sau 4 giờ chiều là người ta đã đặt kín rồi”.
Ông Park suy tính một lát rồi nói: “Vậy bây giờ phải tìm cách hạn chế tiêu hao thể lực của cầu thủ. Buổi sáng mình tranh thủ mình đi. Cố gắng tìm một cái khách sạn nào đó gần sân tập để anh em ăn cơm trưa xong, ngủ một chút rồi chiều dậy tập. Thế sẽ đỡ mất sức hơn”.
Tấm HCV SEA Games 30 mà đội U.22 Việt Nam giành được, đâu chỉ nhờ sức lực và ý chí trong từng trận đấu trên sân cỏ mà còn nhờ cả việc “đánh bại” những khó khăn tưởng chừng như rất vụn vặt vừa được kể trên. Tất cả đã trở thành những minh chứng sống động và lý giải được tại sao thầy trò ông Park lại xứng đáng được hưởng gần như trọn vẹn niềm vui!
Bình luận (0)