Báo cáo của Thanh tra Bộ VH-TT-DL vừa công bố tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý lễ hội cho thấy, tiền phạt vi phạm trong hoạt động lễ hội quá nhỏ so với sai phạm trên thực tế.
Năm 2012, tổng hợp số liệu từ các tỉnh thành cho thấy, số thu từ xử phạt vi phạm trong hoạt động lễ hội chỉ vỏn vẹn khoảng 21 triệu đồng.
|
Con số này quá nhỏ nếu so với tiền giọt dầu (công đức) khoảng 297 tỉ đồng. “Kỷ lục” phạt hành chính tại tỉnh Nam Định cũng chỉ thu về 9 triệu đồng. Trong khi đó, lễ phát ấn đền Trần là điểm nóng lễ hội mà dư luận luôn dõi theo. Lý giải cho tình trạng thanh tra nhiều mà chẳng phạt được bao nhiêu, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết các quy định pháp luật không đầy đủ đã khiến thanh tra nhìn thấy sai phạm mà chưa thể phạt nổi.
|
Vi phạm dễ thấy nhất mà ông Phúc nêu là việc người dân đến lễ hội cài tiền vào tượng, quăng tiền xuống hồ. “Dân quăng tiền, đặt tiền sai nhưng không có chế tài nên đành chịu. Nhìn thấy đồ mã chuyển vào di tích, nhưng thời điểm chúng tôi kiểm tra thì họ không đốt. Chưa có chế tài nào nên đành chịu”, ông Phúc nói trong bức xúc.
Ông Phúc còn bức xúc khi từ 2010 đến nay, ông đã hết lần này đến lần khác đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành quy định cụ thể về các vấn đề trên, tuy nhiên việc vẫn chưa đến đâu. Riêng về chuyện vàng mã, trong danh mục cấp phép kinh doanh ngành nghề của Bộ KH-ĐT vẫn còn mục kinh doanh sản xuất vàng mã.
Lãnh đạo nên đi lễ “với tư cách cá nhân”
Lễ hội đền Trần với những cơn chen ngạt thở, những chuồng cọp phát ấn vẫn tiếp tục làm nóng hội nghị. Đặc biệt, dựa trên khảo sát ý kiến của chính những người dân địa phương, PGS-TS Nguyễn Chí Bền đưa ra ý kiến cho rằng, cần phải giữ nguyên việc khai ấn và ban ấn như mọi năm. Thậm chí, có tới 56,7% người được hỏi không đồng ý với báo chí khi cho rằng có tình trạng mất an ninh trật tự trầm trọng từ lễ hội. Trong khi đó, những hình ảnh trực quan và dư âm của việc lộn xộn này hẳn nhiều người còn nhớ.
Dự kiến, năm nay ấn đền Trần vẫn tiếp tục được in trên giấy như năm ngoái, với số lượng bản in lớn hơn.
Một quan điểm từng được nhiều nhà nghiên cứu nêu để chỉnh đốn một số lễ hội là lãnh đạo nên xuất hiện với tư cách cá nhân. Sự xuất hiện này gián tiếp đã khẳng định tính thiêng của các lễ hội, và hút khách đến nhiều hơn. PGS-TS Bền cũng đồng tình với điều đó. Ông cho rằng, với quyền công dân, họ phải được đi. Tuy nhiên, họ nên đi lễ hội với tư cách cá nhân. “Tất nhiên, tách bạch hai tư cách trong một con người không phải dễ”, ông nói.
“Thậm chí, tôi từng phản đối việc quan chức về hội Lim. Huyện đón rước đưa vào hội trường huyện ăn uống, bia bọt. Chưa kể còn bắt nghệ nhân quan họ vào trình diễn. Tôi nói, nếu các bác nghe quan họ thì lên đồi. Còn muốn ăn uống thì đừng bắt các nghệ nhân hát trong khi miệng các bác đang ăn uống, tay các bác đang uống bia. Xe ô tô, cảnh sát dẫn đường, đoàn này đoàn kia. Chưa kể dân đang lễ thì cảnh sát yêu cầu người ta đi ra”.
Trinh Nguyễn
>> Thế giới tưng bừng lễ hội đón chào năm mới 2013
>> Yêu cầu cán bộ không đi lễ hội giờ hành chính
>> TP.HCM rộn ràng lễ hội mừng năm mới 2013
>> Lễ hội đua bò Bảy Núi
>> Lễ hội thanh niên
>> Lễ hội Trùng Cửu Long Sơn
>> Đua ghe ngo mừng lễ hội Óc Oom Bóc
Bình luận (0)