Thầy Thoại trong câu chuyện ấy là thượng úy Lò Văn Thoại, 40 tuổi, nhân viên vận động quần chúng Đồn biên phòng Mường Lạn. Không được đào tạo về sư phạm, nhưng gần 20 năm qua, bằng tấm lòng và tình yêu của người lính, thượng úy Lò Văn Thoại đã dạy xóa mù cho hàng trăm đồng bào dân tộc và được bà con yêu quý như người thân trong gia đình.
Một núi khó khăn
Đồn biên phòng Mường Lạn đóng quân trên địa bàn H.Sốp Cộp, phụ trách 16 bản và 2 điểm dân cư của toàn xã Mường Lạn, trong đó có 8 bản đặc biệt khó khăn. Ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông còn nhiều hủ tục lạc hậu, vì thế tình trạng mù chữ còn khá phổ biến. Khi đến công tác tại đồn vào năm 2002, thượng úy Lò Văn Thoại đã xung phong nhận nhiệm vụ xóa mù chữ cho bà con dân tộc.
“Bà con nghèo khó lại không biết chữ nên khó tiếp cận các chính sách, pháp luật và lại dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự thôn bản. Vì thế, tôi đã tình nguyện đến các bản xa xôi để dạy xóa mù chữ cho bà con”, anh Thoại chia sẻ.
Chia sẻ về hành trình của anh Thoại xóa mù chữ cho bà con dân tộc, trung tá Nguyễn Tiến Hiếu, Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Lạn, xúc động nói: “Việc dạy chữ cho bà con của thượng úy Lò Văn Thoại không còn là nhiệm vụ nữa, mà đó là tình cảm của bộ đội Cụ Hồ đối với đồng bào. Việc làm của anh không chỉ đem ánh sáng tri thức cho đồng bào, mà còn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh biên giới và thay đổi diện mạo bản làng vùng biên”.
|
Thời gian đầu đi dạy học là một núi khó khăn vì anh Thoại chưa được đào tạo về sư phạm. Anh tìm đến những giáo viên đã có nhiều năm trong công tác xóa mù chữ để nhờ họ truyền đạt kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, xây dựng chương trình giảng dạy, biên soạn giáo án phù hợp với đặc điểm từng nhóm học viên. Đồng thời, để bà con dễ tiếp thu, anh tự học tiếng Mông để giảng bài.
Khó khăn lớn là việc vận động bà con đi học. Có khi anh phải đi 20 km đường rừng men theo các con suối đến nhà dân để vận động họ tới lớp. Đa phần những người chưa biết chữ là phụ nữ nên việc vận động càng gian nan vì họ vướng bận việc gia đình. “Có những chị thích đi học nhưng chồng lại không cho. Có những người chồng cho đi thì vợ lại không thích vì nghĩ rằng quanh năm ở nhà dệt vải và lên nương thì đi học để làm gì”, anh kể. Thế nhưng bằng sự kiên trì, tận tâm, anh Thoại đã thuyết phục được bà con tới lớp.
|
Giúp bà con viết được tên mình
Việc vận động đến lớp đã khó nhưng giữ chân được bà con học đến lúc kết thúc khóa học còn khó gấp vạn lần. Anh Thoại chia sẻ: “Nhận thức của bà con ở đây còn hạn chế, cái bụng còn đang lo cho nồi cơm, cho mảnh nương, đàn lợn ở nhà nên việc tập trung cho học hành rất khó. Giảng dạy làm sao cho bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu và thích được học là điều mình thấy khó nhất”.
Khi đi dạy, anh Thoại thường theo cách “cầm que, chỉ việc” (anh đùa), là minh họa trực tiếp chứ không giảng theo lý thuyết. “Khi làm phép tính, tôi lấy que ra để tính rồi ví dụ bán một bao thóc, 1 bồ ngô sẽ là bao nhiêu tiền. Hay mỗi mét là dài bao nhiêu, tôi cũng lấy que vạch ra trên đất để bà con nhìn thấy...”, anh kể.
Tuy nhiên, việc dạy không đơn giản chút nào khi lớp có nhiều độ tuổi, nhiều người già tay cứng lại, không thể cầm được bút. Để uốn nắn viết được con chữ, có khi mất hàng tháng trời. Anh Thoại cho bà con tập viết cả bằng gạch, đá trên nền đất, trên sàn nhà… “Có người tập viết mấy trang vở cũng không thành chữ. Lúc đầu bà con xấu hổ nên khi tôi kiểm tra thì bà con giấu hoặc xé vở vứt đi. Tôi động viên bà con cứ để đấy, để thầy sửa thì mới nhanh biết chữ. Thế rồi khi đã tự biết viết tên mình, bà con rất hào hứng học”.
Bản làng đầu tiên anh Thoại đến dạy còn chưa có điện, trên đầu mỗi người đeo 1 chiếc đèn pin. Lớp học chỉ là căn lán ghép bằng những tấm gỗ, ở nhà văn hóa thôn, cũng là nơi ở của anh. Thời tiết khắc nghiệt, với sương mù dày đặc và những cơn gió lạnh thấu xương mỗi mùa đông về. Lúc ấy, anh nghĩ chắc mình chỉ dạy một lớp này thôi, nhưng rồi suốt gần 20 năm qua, anh đi hết bản này đến bản kia để xóa mù chữ cho bà con vì thấy đồng bào tin yêu mình. Có người lúc đầu vận động mãi mới đi học, nhưng sau chỉ mong trời tối để đến lớp học của thầy Thoại.
|
“Đừng mắng thầy Thoại”
Từ lớp học ấy đã có nhiều bà con dân tộc “trưởng thành”. Có bà ngoài 60 tuổi vẫn đăng ký đi học và đã tốt nghiệp vào cuối năm 2020. Bà cho biết đang bán hàng tạp hóa, có nhiều người nợ nhưng bà không biết chữ nên không thể ghi nợ được. Từ khi biết cái chữ, bà phấn khởi lắm vì ai nợ cũng ghi sổ nên không sợ mất.
Là người cũng “trưởng thành” từ lớp học của thầy Thoại, chị Vàng Thị Pạ Dê (bản Nậm Làn, xã Mường Lạn) tâm sự: “Mù chữ khổ lắm. Mình làm Hội phụ nữ ở bản nhưng không biết chữ. Đi họp không biết viết, triển khai các chính sách, mình chỉ nghe, nhớ bập bõm câu được, câu mất, về không biết triển khai cho chị em thế nào. Giờ biết đọc, biết viết rồi không ngại đi đâu, không ngại tiếp xúc với đám đông, biết đọc các văn bản để tuyên truyền cho chị em... Cảm ơn thầy giáo Thoại nhiều lắm!”.
Không chỉ dạy chữ, anh Thoại còn hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đặc biệt là áp dụng các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc... để thoát nghèo. Nhờ sự tận tâm ấy mà bà con quý mến anh như người nhà.
Khi trung tá Vi Văn Chương, Chính trị viên Đồn biên phòng Mường Lạn, đến thăm đã được nghe bà con khen thầy Thoại hết lời. “Bà con dân tộc thường hay thẹn nên khi bảo đọc chữ thì không chịu. Tôi đùa: “Phải kỷ luật thầy Thoại thôi vì bà con không biết đọc”. Thế là bà con òa lên: “Ô, đừng mắng thầy Thoại. Thầy Thoại dạy hay lắm, để mình đọc cho”. Rồi họ khen thầy Thoại rối rít, còn dọa: “Nếu thầy Thoại dạy thì mình học tiếp, chứ người khác thì không học đâu!”, trung tá Chương kể.
Trung tá Chương cũng cho biết vào đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Thoại đã được điều động đi trực chốt ở biên giới, nên không đi dạy nữa. Tuy nhiên, với gần 20 năm làm “thầy giáo mang quân hàm xanh”, anh Thoại đã trở thành một tấm gương mẫu mực của người lính vùng biên.
Bình luận (0)