Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND H.Mèo Vạc, trao tận tay thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, lá cờ Tổ quốc thiêng liêng thứ 1.251 đã được treo ở cột cờ quốc gia Lũng Cú do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang, UBND H.Mèo Vạc, Đồn biên phòng Lũng Cú đề tặng.
Món quà đặc biệt từ cực Bắc Tổ quốc khiến thầy trò nhà trường vỡ òa cảm xúc. Trước khi bắt đầu đêm hội diễn văn nghệ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, lễ trưng cờ Tổ quốc từng được treo ở cột cờ Lũng Cú được thực hiện trang trọng, xúc động tại sân Trường Marie Curie.
Khi lá cờ thiêng liêng trên xuất hiện trên sân khấu, trong lòng mỗi thầy cô, cha mẹ, học sinh Trường Marie Curie trào lên niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước. Những cánh tay để lên ngực trái, cùng hướng về lá cờ đỏ sao vàng, hát vang Quốc ca đầy xúc động.
Khi Quốc ca vừa dứt, thầy Nguyễn Xuân Khang cùng các em học sinh quỳ gối và hôn lên lá cờ Tổ quốc đặc biệt này.
Chị Nguyễn Bội Ngọc, mẹ của 3 học sinh đang học tại trường, chia sẻ chị bất ngờ và tự hào khi được thấy quốc kỳ từng tung bay nơi cực Bắc Tổ quốc ở ngay giữa ngôi trường mà các con chị đang học.
"Gia đình tôi đã từng đưa các con đến Hà Giang và lên thăm cột cờ Lũng Cú, được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc thiêng liêng tung bay ở đây. Do vậy, tôi và các con rất tự hào, xúc động khi nhà trường được tặng một trong những lá cờ ấy", chị Ngọc nói.
Còn Trang Anh (lớp 4M), một trong những học sinh được cùng thầy hiệu trưởng quỳ gối hôn lên lá cờ, xúc động chia sẻ: "Lần đầu chúng em nhìn thấy lá cờ Tổ quốc to như vậy. Khi hôn lên lá cờ, chúng em vừa hồi hộp, vừa xúc động khó tả…".
Chứng kiến lễ trưng cờ, mọi người đều hiểu rằng đó là tình yêu, sự trân trọng với Tổ quốc mà thầy hiệu trưởng và nhà trường muốn truyền tải tới toàn thể giáo viên, phụ huynh, học sinh. Đồng thời, tự hào vì trường mình được nhận lá cờ thiêng liêng đã được tắm nắng và gió của vùng biên giới; lá cờ đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú gìn giữ bầu trời và biên cương của Tổ quốc.
Thầy Nguyễn Xuân Khang phát biểu: "Thầy và trò Trường Marie Curie vô cùng xúc động đón nhận lá quốc kỳ thiêng liêng, món quà thắm thiết tình nghĩa của đồng bào H.Mèo Vạc, nơi biên cương của Tổ quốc. Chúng tôi nguyện làm hết sức mình giúp đỡ cho bà con H.Mèo Vạc ngày một phát triển".
Trong nhiều năm qua, Trường Marie Curie đã thực hiện nhiều dự án vì cộng đồng đặc biệt có ý nghĩa tại H.Mèo Vạc. Từ năm 2021, hưởng ứng Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Marie Curie phát động dự án "Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc"; đến nay đã trồng xong hơn 2 vạn cây sa mộc trên diện tích 13 ha đất tại xã Khâu Vai. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 là 526,5 triệu đồng.
Năm học 2022 - 2023, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 nhưng gần 20 trường tiểu học ở H.Mèo Vạc chỉ có vỏn vẹn một giáo viên cho môn học này. Dù có cơ chế tuyển dụng nhưng nguồn tuyển không có, các trường học ở Mèo Vạc "đứng ngồi không yên" khi năm học mới đã cận kề.
Trường Marie Curie đã quyết định "cứu nguy" bằng cách tuyển dụng hợp đồng với 20 giáo viên để thực hiện dự án dạy (trực tuyến) tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của H.Mèo Vạc (tổng kinh phí khoảng hơn 1,7 tỉ đồng/năm học).
Dự án kết thúc năm học đầu tiên với kết quả vượt mong đợi. Thầy Nguyễn Xuân Khang quyết định kéo dài dự án này để có thể tiếp tục giúp Mèo Vạc dạy tiếng Anh lứa học sinh lớp 3 ấy lên lớp 4 rồi lớp 5, khi các em tốt nghiệp tiểu học (năm học 2024 - 2024). Hiện, thầy Khang còn đang ấp ủ một số dự định lớn lao, căn cơ hơn để giúp H.Mèo Vạc giải quyết tận gốc khó khăn về vấn đề đội ngũ giáo viên tiếng Anh.
Ngoài ra, thầy trò Trường Marie Curie đã có rất nhiều lần quyên góp sách, truyện, mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo… tặng học sinh của các trường còn nhiều thiếu thốn tại H.Mèo Vạc.
Việt Nam có 6 điểm cực, trong đó 4 điểm đất liền và 2 điểm trên biển. Trong 4 điểm đất liền, có điểm cực Bắc (Lũng Cú, Hà Giang) và điểm cực Tây (A Pa Chải, Điện Biên) nằm trong đất liền. Điểm cực Nam (Đất Mũi, Cà Mau) và điểm cực Đông (Mũi Đôi, Khánh Hòa ) tiếp cận biển.
Cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú có độ cao 1.470 m so với mực nước biển; được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt, ban đầu làm bằng cây sa mộc, khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam.
Cột cờ được xây dựng lại năm 1887, thời thuộc Pháp. Những năm 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002, cột cờ được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần, kích thước và quy mô lớn hơn.
Hiện nay, cột cờ cao 20 m, chân cột có 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Đỉnh cột là cán cờ cao 9 m, treo quốc kỳ Việt Nam dài 9 m, rộng 6 m, tổng diện tích là 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.
Hiện nay, tại Đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên cột cờ Lũng Cú; khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày, lá cờ lại phải được thay mới do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh…
Bình luận (0)