Thầy vẫn nhớ chúng em

21/11/2015 07:11 GMT+7

Khi chiến tranh lan ra miền Bắc, năm học 1964 - 1965 tôi sơ tán lên xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc và học trường cấp 2 của xã mang tên Hoàng Hoa Thám.

Khi chiến tranh lan ra miền Bắc, năm học 1964 - 1965 tôi sơ tán lên xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc và học trường cấp 2 của xã mang tên Hoàng Hoa Thám. 

Trường của chúng tôi nằm tại bến Then, bên dòng sông Lô hiền hòa. Các thầy cô giáo là người địa phương, tuy ở cùng huyện, nhưng do nhà xa nên ở ngay tại trường đến cuối tuần mới về, vì vậy rất gần gũi và gắn bó với học sinh.
Giáo viên nữ duy nhất của trường là cô Mậu. Cô có mái tóc dài gần đến gót chân và khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Tuy không dạy trực tiếp lớp tôi, nhưng có lẽ do không có giáo viên nữ cùng trường nên cô thân với lũ con gái chúng tôi.
Lớp 7A của tôi do thầy Trần Đức Phương dạy môn toán làm chủ nhiệm, thầy Tuyên dạy văn cùng một số giáo viên bộ môn khác. Thầy Phương và thầy Tuyên là hai người thầy để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Thầy Phương rất yêu nghề, giờ dạy của thầy thật sinh động với cách truyền đạt dễ hiểu và những gợi mở nhiều cách giải khác nhau cho một bài toán. Thầy Tuyên dáng cao thanh, lúc nào cũng chỉn chu. Trong điều kiện chiến tranh lúc bấy giờ phong cách của thầy đã để lại ấn tượng về sự mẫu mực, tề chỉnh.
Hôm tôi trúng tuyển vào đội tuyển của tỉnh và phải về học lớp bồi dưỡng ở cách xa trường hàng chục cây số, thầy Tuyên đã cho tôi mượn xe đạp và cả áo mưa (thời ấy xe đạp là tài sản rất có giá trị). Thầy Phương hỏi tôi có tiền mang theo không, tôi nói có (tôi có xin bà nội được 5 hào). Biết tôi có chừng đó thầy cười và đưa cho tôi 10 đồng, khi tôi từ chối thầy bắt cầm và bảo: “Lỡ xe hư hỏng giữa đường thì làm thế nào!”. (Xin nói thêm: Kỹ sư thời ấy được hưởng lương 60 đồng/tháng, còn thầy chỉ là anh giáo làng dạy cấp 2. Số tiền đó với thầy không nhỏ).
Thế rồi cuộc sống cuốn đi, những năm tháng chiến tranh việc đi lại không dễ dàng, rồi gia đình con cái, liên lạc trắc trở… nên tuy rất muốn tôi vẫn chưa thể quay về thăm thầy, thăm bạn, thăm trường.
Cuộc sống trôi qua 50 năm, chúng tôi đã có một chuyến “hồi hương” cảm động. Bạn bè gặp lại nhau con trai thì “đầu hói, trán nhăn”, con gái thì “tóc bạc, da mồi” nhưng mừng như anh em gặp lại. Chúng tôi đến thăm các thầy. Thầy Phương không còn nữa. Đến thăm thầy Tuyên, thầy vừa qua cơn đột quỵ, còn yếu lắm. Thế mà khi biết chúng tôi đến thăm, thầy gắng ngồi dậy. Thật không ngờ thầy gọi rõ họ tên từng người, các bạn người địa phương thầy còn nói con ai, ở xã nào. Tôi bước đến và hỏi: “Thầy ơi thầy có nhận ra em không?”. Chỉ trong giây lát thầy nói rõ tên tôi. Tôi lặng người rồi ôm lấy thầy không cầm được nước mắt: “Thầy ơi thầy vẫn nhận ra em!”.
Hơn 10 đứa bạn học chúng tôi hôm ấy không phải tất cả đều nhận ra nhau vì khoảng thời gian 50 năm đã làm thay đổi khuôn mặt từng người. Vậy mà cũng với bấy nhiêu thời gian, thầy giáo tôi vẫn nhận ra những học sinh của mình. Trí nhớ của thầy tuyệt vời quá hay tấm lòng của thầy thật bao la.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.