Đây cũng là thời điểm mấy cuộc “vượt vũ môn” vào trường chuyên, lớp chọn, trường điểm, lớp chất lượng cao và cả kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển vào đại học đang “nóng hầm hập” không khác gì nắng hè.
Học sinh cần được cởi trói bớt áp lực học hành, cần được bố mẹ truyền động lực học tập |
đ.n.t |
Truyền động lực thay vì áp lực
Nhiều phụ huynh đang biến việc học trở thành gánh nặng, thi cử thành nỗi ám ảnh của con cái. Nhiều phụ huynh đang cắt xén tối đa giờ ăn, ngủ, nghỉ của con để dồn ép cho việc học. Nhiều phụ huynh đang chăm chút cho tương lai rạng rỡ của con mà quên mất hiện tại là một bức tranh buồn bã, xám xịt bởi việc học suốt ngày dài ở trường nối liền sang lớp học thêm, học kèm, học trung tâm…
Học sinh cần được cởi trói bớt áp lực học hành, cần được bố mẹ truyền động lực học tập. Hãy nói với con rằng chúng ta đã tự hào biết bao về đứa trẻ luôn nỗ lực cho việc học của mình. Thành tích của con gặt hái được có thể chẳng to tát và vĩ đại như “con nhà người ta” nhưng đó là thành quả từ sự cố gắng phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của bản thân nên nó quý giá và đáng trân trọng vô cùng.
Hãy dạy con bài học về cách đối diện với thất bại và đứng lên sau vấp ngã. Nếu chẳng đạt điểm số mong ước, nếu chưa đạt thành tích mong mỏi… thì ta cứ mạnh mẽ đón nhận, tỉnh táo phân tích tình huống và rút kinh nghiệm cho cuộc đua tiếp theo.
Hãy mang đến niềm vui cho học sinh trong học tập và mỗi ngày đến trường |
đ.n.t |
Đừng hỏi “Sao học thế mà thua bạn A, kém bạn B”?
Hãy thủ thỉ với con về những con đường tương lai mà con có thể lựa chọn và nỗ lực. Giỏi văn hóa và bước trên con đường thẳng tăm tắp về trường “hot”, nghề “hot”. Còn nếu con không thật sự xuất sắc trong cuộc đua vào trường chuyên lớp chọn cũng chẳng sao, bởi con có thể vững bước vào tương lai bằng muôn ngả rẽ khác hợp năng lực, đúng đam mê.
Hãy khéo léo truyền động lực học tập bằng những quan tâm hỏi han về những khó khăn, vướng mắc trong việc học lẫn cuộc sống của trẻ. Khuyến khích, động viên con phân chia thời gian hợp lý cho học tập và giải trí, đừng bao giờ bỏ quên việc rèn luyện thân thể, giải tỏa căng thẳng bằng các bài tập thể dục và các hoạt động kết nối với bạn bè.
Mùa thi đang đến, nên chăng đây cũng là thời điểm chúng ta hãy bớt dần những câu hỏi dồn ép áp lực: “Bài thi mấy điểm?”, “Đạt danh hiệu học sinh gì?”, “Sao học thế mà thua bạn A, kém bạn B?”…
Thành công không nhất thiết chỉ chăm chăm vào điểm số
Khi còn học bậc tiểu học, nhóc lớn nhà tôi được nhiều giáo viên muốn cháu tham gia một số cuộc thi, nhất là liên quan đến toán học. Vì muốn con có tinh thần thoải mái của trẻ thơ nên tôi nói không với thi thố để con được hồn nhiên, vui vẻ và hạnh phúc.
Năm học lớp 8, điểm thi học kỳ I môn toán của con thấp. Chuyện điểm thấp ấy không có gì phải băn khoăn. Đơn giản, tôi đã dạy cho con có quyền được điểm thấp, miễn sao con đã nỗ lực trong học tập, thi cử. Và cũng đơn giản rằng, bạn A điểm thấp nhất lớp về môn hóa, bạn B thấp nhất lớp về điểm môn văn … thì con cũng có thể là người có điểm thấp nhất lớp về môn nào đó.
Trong bữa cơm tối, con đã tâm sự cho cha mẹ nghe về điểm số ấy và muốn phúc khảo. Tôi đồng ý với con để con khỏi phải băn khoăn về bài thi của mình. Tôi đem câu chuyện này kể cho một số người, hầu như ai bàn lui rằng không nên phúc khảo. Môn văn và ngoại ngữ trung bình trên 8, các môn khác đa phần khá cao, riêng môn toán thấp nhất là 6,6. Như vậy con đã được xếp loại giỏi. Sau khi phúc khảo, nếu điểm số vẫn không thay đổi hoặc tăng lên thì không sao. Ngược lại thì có bị xếp loại khá. Vì không muốn “an toàn” với danh hiệu giỏi, con đã phúc khảo.
Tôi rất vui là con quyết định phúc khảo dù sau đó kết quả số điểm không thay đổi vì sự quyết đoán của con và sẵn sàng chấp nhận xếp loại học sinh khá. Con cũng muốn xếp loại giỏi nhưng không quá quan trọng. Sự “thành công” của con không nhất thiết phải là chăm chăm vào điểm số, danh hiệu mà cần những giá trị thiết thực hơn.
Bình luận (0)