Theo Financial Times, kế hoạch nói trên, đã được chuyển tới Mỹ, nằm trong số nhiều phương án đang được thảo luận giữa lúc các quốc gia Ả Rập và phương Tây cố gắng tìm kiếm con đường mang lại ổn định cho Gaza, cũng như hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine.
Các quan chức Ả Rập trước đây cho biết họ không ủng hộ phương án cho phép một lực lượng quốc tế hoặc khu vực tiến vào Gaza, đồng thời khẳng định khu vực này phải do người Palestine quản lý. Nhiều nước đã tỏ ra thận trọng vì sợ bị cáo buộc lợi dụng sức mạnh của quân đội Israel và bị cuốn vào một cuộc nổi dậy.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Ả Rập tiết lộ một số quốc gia trong khu vực đã thay đổi lập trường trong những tuần gần đây, làm gia tăng khả năng thế giới Ả Rập can dự vào Gaza, trong bối cảnh các nước tìm cách thể hiện “cam kết của mình đối với tiến trình hòa bình”.
Một nhà ngoại giao Ả Rập khác nói việc thành lập bất kỳ lực lượng nào như vậy cũng đều sẽ cần đến sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và lực lượng này sẽ được triển khai trên cơ sở tạm thời để chính quyền Palestine có thời gian xây dựng lực lượng an ninh “có năng lực” của riêng họ.
Mặc dù thế giới Ả Rập nói chung đã tỏ ra cởi mở hơn đối với kế hoạch này, vẫn chưa rõ quốc gia nào sẵn sàng tham gia. Một quan chức Ả Rập thứ ba cho biết đây là sáng kiến được Ai Cập hậu thuẫn, nhưng các cường quốc khác trong khu vực, bao gồm Ả Rập Xê Út, Jordan và Qatar, phản đối việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Ả Rập.
Ý tưởng này đã được nêu ra với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi ông gặp những người đồng cấp Ả Rập ở Cairo vào tháng 3. Các quốc gia Ả Rập trong nhiều tháng đã cố gắng vạch ra “tầm nhìn” bao quát để giải quyết khủng hoảng nảy sinh từ cuộc tấn công của Hamas ở Israel vào ngày 7.10.2023 và chiến dịch quân sự trả đũa của Israel ở Gaza sau đó.
Yêu cầu cốt lõi của họ là phương Tây và Israel phải thực hiện những bước đi “không thể đảo ngược” hướng tới giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine. Họ muốn Mỹ và các quốc gia phương Tây khác công nhận nhà nước Palestine và ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của nước này tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng đây phải là một phần của quá trình chứ không phải là kết quả.
Song kế hoạch hậu chiến cho Gaza đang gặp bế tắc bởi sự mơ hồ xung quanh ý định của Israel, bao gồm việc nước này sẽ giữ quân ở vùng đất ven biển hoang tàn trong bao lâu; ai sẽ được Israel chấp nhận làm lực lượng quản lý; và chiến dịch quân sự của họ sẽ tiếp diễn đến khi nào.
Bình luận (0)