BƯỚC ĐỘT PHÁ CỦA DANIEL MALDINI
Hậu vệ huyền thoại Paolo Maldini và ông bố nổi tiếng Cesare Maldini thì ai cũng biết. Đấy là biểu tượng của AC Milan, cùng nhau đem về cho CLB này đến 6/7 chiếc cúp C1/Champions League. Nghĩa là thành tích đoạt cúp C1 của riêng bố con nhà Maldini chỉ thua mỗi Real Madrid; ngang với Bayern Munich, Liverpool; và nhiều hơn tổng số danh hiệu trong toàn bộ lịch sử của bất cứ CLB nào khác.
Đấy cũng là đặc điểm chung của Cesare và Paolo Maldini. Tên tuổi của họ gắn liền với lịch sử AC Milan và cúp C1 châu Âu (thượng đế sinh ra Juventus để thống trị Serie A, rồi lại sinh ra AC Milan để thống trị cúp C1 - sách báo từng viết như thế). Hơn nữa, họ đều là hậu vệ. Con đầu lòng của Paolo là Christian Maldini cũng đá hậu vệ, nhưng sự nghiệp không thành công. Anh đã giải nghệ ở tuổi 27, chuyển sang nghề đại diện cầu thủ.
Khác hẳn bố và ông nội, "cậu út" Daniel Maldini đá tiền vệ công, với lối chơi thiên về sự sáng tạo. Anh còn có thể giữ vai tiền đạo cánh hoặc tiền đạo lùi, rất linh động. Tóm lại Daniel cứ phải là một cầu thủ tấn công, không chơi phòng thủ như truyền thống gia đình. Mặt khác, anh cũng sớm "ly khai" AC Milan. Daniel thoát sang CLB nhỏ Monza, trước là theo dạng cho mượn, sau chuyển nhượng hẳn. Thế là sự nghiệp cất cánh. Daniel chơi rất thành công trong mùa bóng này, được đánh giá là một trong những tài năng trẻ đang vươn lên nhanh nhất ở Calcio hiện nay. HLV Luciano Spalletti gọi Daniel là mảnh ghép cuối cùng mà Squadra Azzurri còn thiếu. Giả sử ham danh "AC Milan", cố trụ lại chỉ để ngồi ghế dự bị, chưa chắc Daniel có được ngày hôm nay. Chuyến lên tuyển đầu đời càng thêm phần đáng nhớ khi đấy chính là dịp sinh nhật tròn 23 tuổi của Daniel (anh sinh ngày 11.10).
Hai thế hệ trước đều là hậu vệ cự phách, nhưng Daniel kể rằng anh chưa bao giờ hỏi bố hoặc ông về bí quyết làm sao để vượt qua hậu vệ đối phương. Nói chung, nhà Maldini ít nói chuyện bóng đá với nhau. Paolo chỉ theo dõi việc con trai lên tuyển một cách bình thường chứ không phát biểu nhiều.
THẾ GIỚI CHỈ CÓ 13 TRƯỜNG HỢP
Con cái theo nghề thể thao của bố mẹ là chuyện quá bình thường. Đấy thậm chí còn là vấn đề khoa học (có tính di truyền về sức vóc, chịu ảnh hưởng từ bé bởi môi trường thể thao…). Không thể thống kê cho xuể: đã có bao nhiêu gia đình thể thao thành công ở đẳng cấp cao nhất thế giới. Cũng khó kể hết những câu chuyện thú vị. Con vào sân thay bố trong một trận đấu quốc tế; anh em ruột đối đầu với nhau trên sân cỏ World Cup; bố huấn luyện con… Nhưng đến mức độ 3 thế hệ đều được khoác áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG) thì lịch sử bóng đá có đúng 13 trường hợp.
Bước tiếp theo để các tifosi hào hứng theo dõi: trong 13 gia đình "3 đời khoác áo ĐTQG", chỉ duy nhất nhà Maldini đang có cơ hội làm nên lịch sử hào hùng hơn: 3 đời tham dự World Cup. Tất nhiên, Daniel đang rất quyết tâm lọt vào thành phần Azzurri dự World Cup 2026. Nếu được như vậy thì càng đáng nhớ: đấy sẽ là lần đầu tiên trong 12 năm, gã khổng lồ Ý xuất hiện trở lại ở đấu trường World Cup.
Gia đình đầu tiên trong lịch sử có 3 thế hệ khoác áo ĐTQG là Yehia, Hamada và Hazem Emam ở đội tuyển Ai Cập. Nhà Weiss (cả 3 thế hệ đều cùng họ tên Vladimir Weiss) lại phục vụ ĐTQG qua 3 giai đoạn lịch sử khác nhau: Tiệp Khắc; Tiệp Khắc và Slovakia; Slovakia. Gia đình có nhiều thành viên khoác áo ĐTQG nhất thì khá quen thuộc với khán giả VN, đó là nhà Ahmad ở đội tuyển Singapore. Fandi Ahmad; bố ông Ahmad Wartam; và 3 người con trai ông là Irfan, Ikhsan, Ilhan Fandi đều đã khoác áo đội tuyển Singapore.
Patrick Kluivert và con trai Justin Kluivert đều khoác áo đội tuyển Hà Lan, nhưng bố của Patrick là Kenneth Kluivert khoác áo đội Surinam. Xem ra, gia đình Maldini là có đẳng cấp cao nhất. Chỉ có nhà Marcos Alonso (3 thế hệ đều cùng họ tên) ở đội tuyển Tây Ban Nha may ra sánh nổi với họ.
Bình luận (0)