(TNO) Một trong những điều nghịch lý của nhân loại hiện nay là thứ công cụ có thể giết người hàng loạt lại không được kiểm soát chặt chẽ bằng... những quả chuối.
|
Việc buôn bán, vận chuyển súng và các vũ khí thông thường trên thế giới hiện đang thiếu một thỏa thuận thương mại ràng buộc toàn cầu - Ảnh: Thinkprogress.org/Deviant Art
|
Tổ chức phi chính phủ chống đói nghèo và bất công Oxfam từng chỉ ra rằng thế giới đang có nhiều luật quốc tế kiểm soát hoạt động thương mại với quả chuối hơn là với các loại vũ khí thông thường như súng AK-47.
Cụ thể, việc trồng và buôn bán chuối hiện được kiểm soát bởi 3 thỏa thuận toàn cầu có tính bắt buộc và một thỏa thuận tuy không bắt buộc nhưng được tuân thủ nghiêm ngặt đó là Bộ quy tắc về thực phẩm (Codex Alimentarius).
Các thỏa thuận có tính bắt buộc bao gồm: Thỏa thuận tại vòng đàm phám Uruguay về Nông nghiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảm bảo định hướng thị trường và kiểm soát giá nông phẩm; Thỏa thuận về tiêu chuẩn vệ sinh trong các sản phẩm nông nghiệp (SPS Agreement); và Công ước quốc tế về bảo vệ cây trồng.
Trong khi đó, ngành thương mại vũ khí có giá trị đến 85 tỉ USD/năm lại không bị ràng buộc bởi bất kì một thỏa thuận toàn cầu nào.
Oxfam chỉ ra rằng, thỏa thuận WTO không có quy định gì đối với hoạt động buôn bán vũ khí. Thậm chí, điều khoản XXI của Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT, tiền thân của WTO) năm 1994 còn loại bỏ việc vận chuyển vũ khí với lý do việc đó phục vụ nhu cầu an ninh quốc gia.
Hiện tại, chỉ có một số thỏa thuận quốc tế về buôn bán vũ khí, nhưng chỉ ở tầm khu vực và còn rất nhiều hạn chế, trong khi có hơn 40 quốc gia không tham gia bất kì một thỏa thuận khu vực nào.
Ở tầm quốc gia cũng vậy, chỉ có 73/154 nước cho biết họ có một số quy định kiểm soát cơ bản việc xuất khẩu súng AK-47 và các vũ khí loại nhỏ khác; và chỉ 56 quốc gia có những tội danh hình sự liên quan đến việc sản xuất hoặc vận chuyển quốc tế bất hợp pháp các vũ khí này.
Sự dùng dằng của Mỹ
Thật ra, Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong nỗ lực của mình đã lập ra một Hiệp ước thương mại vũ khí (ATT) nhằm đặt ra các tiêu chuẩn cho việc vận chuyển xuyên biên giới các loại vũ khí thông thường, từ súng nhỏ cho đến xe tăng và trực thăng tác chiến.
Mục tiêu tối thượng của ATT là ràng buộc các hợp đồng mua bán xuyên biên giới để bảo đảm vũ khí không rơi vào tay các thế lực vi phạm nhân quyền, khủng bố, tội phạm có tổ chức.
Các điều tra cho thấy những vũ khí được sử dụng ở những vùng xung đột không hề được sản xuất tại chỗ, mà là từ các quốc gia tân tiến. Và tình trạng này xảy ra bởi thế giới đang thiếu một sự hợp tác toàn cầu trong việc kiểm soát vận chuyển vũ khí.
Theo website của LHQ, ATT có hiệu lực từ ngày 24.12.2014. Hiện có 130 quốc gia tham gia ký kết, trong đó 60 quốc gia đã phê chuẩn để thực thi. Chỉ có 3 quốc gia chống ATT là Syria, Iran, CHDCND Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi ATT là “một bước đáng kể” trong việc giúp thế giới trở nên an toàn hơn.
Tuy nhiên, nghịch lý cũng đến từ nước Mỹ, khi Hiệp hội súng quốc gia (NRA) quyết liệt phản đối ATT và gây áp lực khiến quốc hội nước này không thể phê chuẩn hiệp ước.
Cây viết người Mỹ nổi tiếng Scott Beauchamp mới đây trên tờ Al Jazeera America rằng, hồi năm 2011, sau khi NRA công khai chỉ trích ATT thì có đến 58/100 thượng nghị sĩ gửi thư phản đối ATT lên Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là Hillary Clinton.
Trong đó, “to tiếng” nhất là Thượng nghị sĩ Jerry Moran bang Kansas: “Chúng tôi phản đối việc phê chuẩn ATT được trình cho Thượng viện bởi nó hạn chế các công dân Mỹ thượng tôn pháp luật quyền được sản xuất, lắp ráp, sở hữu, vận chuyển và mua bán súng, khí tài và các vật dụng liên quan”.
Tác giả Scott Beauchamp nhận định rằng phát biểu của Thượng nghị sĩ Moran là “nực cười”, bởi ATT không hề có những điều khoản như vậy.
Ông cũng đặt vấn đề vì sao NRA, với sứ mệnh cổ vũ cho việc sử dụng súng an toàn và mở các lớp dạy cách sử dụng súng, lại “nhiệt tình” tấn công một hiệp ước quốc tế không hề đụng chạm vào Tu chính án thứ hai vốn bảo đảm quyền sở hữu súng của công dân Mỹ?
Câu trả lời, theo ông Beauchamps, là NRA nay trở thành một thế lực vận động hành lang cho các tập đoàn chế tạo súng thay vì đại diện cho những người thích các môn thể thao chơi súng và săn bắn, và là một trong những nhóm gây áp lực chính trị mạnh mẽ nhất tại Washington.
Với 5 triệu hội viên và doanh thu hàng triệu USD/năm, phí hội viên và thu nhập từ các lớp học chỉ đảm bảo được một nửa ngân sách của NRA, phần còn lại đến từ túi các nhà sản xuất súng với doanh thu 12 tỉ USD/năm, ông Beauchamp nói.
Ông này cũng chỉ ra rằng, ít nhất 16 nhà sản xuất và buôn bán súng đã đóng góp cho ngân sách của NRA, một số thậm chí nộp cố định % từ doanh thu bán súng cho hiệp hội này.
Về phía NRA, trong đợt bầu cử giữa kỳ tháng 11.2014, Hiệp hội này đã tặng 35 triệu USD cho một số ứng viên.
“Những chính trị gia bị mua chuộc bởi NRA đã một cách rất có trách nhiệm đối kháng lại nhận thức chung và bỏ phiếu chống quy định kiểm soát súng”, ông Beauchamp cáo buộc.
“Chúng ta đã chịu đựng quá nhiều bởi sự chi phối của NRA lên chính sách kiểm soát súng nội địa”, ông viết.
Ông cũng cho rằng, hành động chống ATT của NRA là “đe dọa toàn thế giới”: “Giờ đây, người dân ở những vùng xung đột sẽ phải chịu đựng nhiều hơn bởi việc vận động lơi lỏng kiểm soát súng đã vô hiệu hóa một mặt trong chính sách ngoại giao của chúng ta”.
Bình luận (0)