Thế giới cũng điên đầu với thiết bị bay siêu nhỏ

12/08/2015 15:32 GMT+7

(TNO) Các nước như Anh và Mỹ đều có cơ quan giám sát việc sử dụng những thiết bị bay siêu nhỏ, không người lái, nhưng thực tế quy định xử phạt vẫn chưa thực sự cụ thể.

(TNO) Các nước như Anh và Mỹ đều có cơ quan giám sát việc sử dụng những thiết bị bay siêu nhỏ, không người lái, nhưng thực tế quy định xử phạt vẫn chưa thực sự cụ thể. 

Một chiếc drone dòng Phantom của thương hiệu Trung Quốc DJI - Ảnh: Reuters

Hôm 1.8 vừa qua, báo Mỹ USA Today cho biết Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã điều tra hai vụ tai nạn máy bay, trong đó phát hiện một vật thể bay không người lái (drone) bay gần đó khi những chiếc máy bay trên hạ cánh tại Sân bay Quốc tế John F. Kenedy.

Vụ việc đã một lần nữa dấy lên lo ngại về các vấn đề do những thiết bị drone tạo ra, cũng như một số ý kiến cho rằng cần thống nhất luật lệ, quy định về việc sử dụng drone.

Có luật nhưng còn lỏng lẻo

Ngày 6.8, kênh CNBC (Mỹ) đặt vấn đề liệu có nên siết chặt thêm các quy định về việc sử dụng drone hay không.

Trên thực tế tại Mỹ, FAA là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát việc sử dụng drone.

Theo CNBC, mục đích sử dụng drone gồm 3 loại: Hoạt động công vụ, hoạt động dân sự và hoạt động giải trí. Các loại “hoạt động” này sẽ được phân chia theo quy định cụ thể của FAA, dựa trên người sở hữu, mục đích sử dụng và người điều khiển.

Việc drone ngày càng phổ biến kéo theo nhu cầu pháp lý dành cho người sử dụng - Ảnh: Reuters

Trong hoạt động công vụ, người sử dụng phải có giấy chứng nhận từ FAA dành cho “việc sử dụng một phương tiện bay đặc biệt, cho một mục đích cụ thể và trong một khu vực cụ thể”, theo CNBC. Tương tự, các hoạt động sử dụng drone cho mục đích dân sự cũng phải nhận sự cho phép từ FAA nếu đảm bảo được tiêu chí về “nguy cơ thấp và môi trường được kiểm soát”. Trong tất cả các mục đích sử dụng, quyền tiếp cận một không phận đều phải cần sự cho phép của luật pháp Mỹ.

Tuy vậy, rắc rối xuất hiện trong các hoạt động giải trí. FAA theo đó chỉ mới ban hành bộ quy tắc hướng dẫn dành cho hoạt động này. Trong đó cụ thể không cho phép sử dụng các phương tiện bay nặng trên 25 kg (55 pound), không bay cao quá 121 mét (400 feet), không bay trong phạm vi 8.000 mét (5 dặm) gần các sân bay trừ phi đã liên lạc với trạm kiểm soát sân bay, không bay gần người, các sân vận động hoặc những nơi công cộng đông đúc…

Luật ở Anh và Mỹ đều quy định hạn chế cân nặng, độ lớn, tầm bay... của các sản phẩm drone cũng như vật thể bay không người lái nói chung - - Ảnh: Reuters

Tương tự ở nước Anh, cơ quan quản lý vấn đề UAV nói chung và drone nói riêng là Cục Hàng không Dân dụng (CAA), cũng có một số quy định như FAA của Mỹ. Tuy nhiên các mức phạt cụ thể cũng chưa được ban hành.

"Có thể mọi thứ sẽ ổn nếu bạn điều khiển drone trong khu vườn nhà mình, nhưng nếu ví dụ tại một công viên, bạn cần phải rất cẩn thận về việc bảo đảm không để nó tiếp cận người khác gần hơn 50 met", báo The Telegraph của Anh ngày 16.4 dẫn lời Sally Annereau, nhà phân tích dữ liệu ở công ty luật Taylor Wessing cho biết.

Nguy cơ nào có thể đến từ drone?

Các sản phẩm drone hiện nay đã trở nên ngày càng phổ biến, được nhiều người sử dụng rộng rãi với rất nhiều mục đích khác nhau.

Trong kinh doanh, drone hay loại máy bay gắn camera (FlyCam) dùng cho lĩnh vực bất động sản nhằm chụp hình toàn bộ khu đất. Trong truyền thông, FlyCam nói riêng sẽ hữu ích ở các buổi ghi hình sự kiện, chụp ảnh trên không. Trong giải trí, các nhóm chơi drone và FlyCam đơn giản muốn trải nghiệm cảm giác khác lạ thay vì chơi máy bay điều khiển từ xa sử dụng xăng như ngày xưa, theo USA Today.

Tuy nhiên, việc sử dụng drone và FlyCam phổ biến đã sinh ra nhiều vấn đề. CNBC dẫn ví dụ hồi tháng 1 năm nay một vật thể bay đã rớt xuống Nhà Trắng sau khi một người đàn ông mất liên lạc với món đồ của ông ta. Việc sử dụng máy bay không người lái không hợp pháp ở Washington D.C, tuy nhiên người đàn ông này không bị phạt, bất chấp câu chuyện sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu có một quả bom gắn trong drone và… đáp xuống Nhà Trắng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu lực lượng khủng bố gắn bom vào một thiết bị như thế này và điều khiển nó bay vào các khu dân cư, các sự kiện quy tụ đông đảo người dân? - Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, mối lo về khủng bố bằng drone hiển hiện khi CNBC dẫn ví dụ hồi đầu tháng 7 này một thanh niên 18 tuổi từ bang Connecticut gây sốc với đoạn băng tung lên Youtube, ghi lại hình ảnh sản phẩm drone của anh ta được gắn… súng lục và có thể bắn.

Drone cũng đã cản trở các hoạt động chữa cháy ở phương Tây, khiến các máy bay chữa cháy phải dừng hoạt động, đơn cử như trường hợp các nhân viên cứu hỏa ở San Bernardino Mountains của California phải hạ cánh sau khi phát hiện có vật thể lạ bay gần họ.

Sau sự cố này, Nghị sĩ Paul Cook, dân biểu của bang California đã đề xuất lên Quốc hội một dự thảo có tên gọi Đạo luật Bảo vệ không phận hỏa hoạn năm 2015. Nếu được thực hiện, người vi phạm gây trở ngại với máy bay chữa cháy có thể bị phạt tiền và ngồi tù đến 5 năm, theo CNBC.

Mặc dù vậy cho đến nay, các quy định, luật pháp áp dụng cho vật thể bay vẫn còn rối rắm và chưa đi sâu vào thực tế, CNBC kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.