Thế giới đã nghiên cứu khoa học về thuốc lá làm nóng như thế nào?

25/06/2024 13:00 GMT+7

Sau Công điện số 47/CĐ-TTg, để hoàn thiện dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 67 về Kiểm soát thuốc lá, cần có đánh giá khoa học từ Bộ Y tế (BYT) về thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN).

Trước đó, tại phiên giải trình ngày 4.5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ phải nhận diện đúng về TLĐT, TLLN cũng như tác hại của các sản phẩm này. Đồng thời, những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dựa trên "cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước".

Thực tế cho đến nay việc thực hiện một nghiên cứu khoa học toàn diện thường chỉ diễn ra ở những quốc gia có hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và nhân sự chuyên môn cao. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năng lực kiểm nghiệm thuốc lá mới của Việt Nam còn hạn chế.

Do đó, làm thế nào để thực hiện báo cáo khoa học đầy đủ, toàn diện trong việc đánh giá các sản phẩm TLLN, TLĐT, nhằm đảm bảo sự uy tín và thuyết phục của cơ quan chức năng, là rất quan trọng.

FDA thẩm định hơn 2 triệu trang hồ sơ trước khi cấp phép

Năm 2019, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lần đầu cấp phép thương mại hóa cho một sản phẩm TLLN có nguyên liệu thuốc lá khô. Sau đó, năm 2020, loại TLLN này tiếp tục được cấp Chỉ định "Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh về nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm (với chất gây hại lên cơ thể)" (MRTP).

Để có quyết định này, từ năm 2017, FDA đã xem xét, đối chiếu 2 triệu trang hồ sơ khoa học do nhà sản xuất cung cấp, đồng thời thực hiện nghiên cứu độc lập về loại TLLN này. Phạm vi nghiên cứu bao gồm: Cấu tạo, nguyên liệu thuốc lá của sản phẩm; không có quá trình đốt cháy; đo lường hàm lượng độc tố có trong khí hơi của TLLN giảm đáng kể so với thuốc lá điếu; các chỉ số liên quan đến sức khỏe người dùng đều được cải thiện. FDA còn đánh giá cả những nguy cơ khi chuyển từ thuốc lá điếu sang TLLN để có cái nhìn tổng quan nhất. Đồng thời, cơ quan này cũng đánh giá về khả năng thu hút giới trẻ đối với sản phẩm này trước khi đưa ra quyết định.

Thế giới đã nghiên cứu khoa học về thuốc lá làm nóng như thế nào?- Ảnh 1.

FDA công bố: Độc tính của thuốc lá làm nóng giảm đi đáng kể so với thuốc lá điếu, đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm với các chất có hại trên cơ thể người dùng

Nguồn: FDA

Không chỉ căn cứ vào những sở cứ khoa học để cấp phép cho hai loại thuốc lá mới trên tại Mỹ, FDA còn thực hiện quản lý, giám sát các công ty được kinh doanh mặt hàng này để đảm bảo việc tuân thủ quy định về kinh doanh, thương mại.

Kết quả của việc xây dựng hành lang pháp lý, quản lý các sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường. Dù việc sử dụng ở giới trẻ vẫn không thể tránh khỏi, nhưng hầu hết đều có chiều hướng sụt giảm. Từ năm 2019-2023, theo báo cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, tỷ lệ thanh thiếu niên Mỹ (12-18 tuổi) dùng TLĐT đã giảm đi gần 2/3, từ 27,7% xuống 10%.

Mở rộng việc công nhận từ quốc tế: Phù hợp tinh thần luật Dược sửa đổi

Trước cả FDA Hoa Kỳ, các nước tiên tiến khác như Nhật, Anh, Bỉ, Nga, Hàn Quốc, Hà Lan, New Zealand... cũng đã công bố nhiều nghiên cứu khoa học khác về TLLN, TLĐT.

Năm 2016-2017, nghiên cứu quốc gia của Chính phủ Liên bang Nga cho thấy, hàm lượng các độc tố (theo danh mục quy định của WHO) có trong TLLN là thấp hơn so với thuốc lá điếu. Báo cáo này cũng đề cập kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế Canada chứng thực hàm lượng nicotine trong TLLN giảm đáng kể so với các loại thuốc lá điếu thông thường.

Năm 2017, nghiên cứu của Viện Y tế Công cộng Quốc gia Nhật Bản cho thấy hàm lượng nicotine trong TLLN gần bằng với thuốc lá điếu đốt cháy, nhưng hàm lượng các độc tố lại thấp hơn đáng kể. Cụ thể, trong TLLN, hàm lượng nitrosamine (chất gây ung thư) chỉ bằng 1/5, và hàm lượng CO (khí gây hại gốc Carbon) chỉ bằng 1/100 so với thuốc lá điếu.

Cùng năm, Ủy ban Đánh giá Độc chất học (COT), Bộ Y tế Anh công bố kết quả nghiên cứu về nguy cơ độc tính của sản phẩm TLLN: Hàm lượng các chất gây hại của TLLN đã giảm đáng kể, từ 50% đến 90%, so với thuốc lá điếu.

Nhìn chung trên thế giới, chưa có bằng chứng cho thấy TLLN độc hại hơn thuốc lá điếu.

Thế giới đã nghiên cứu khoa học về thuốc lá làm nóng như thế nào?- Ảnh 2.

Trong chuỗi nguy cơ của sản phẩm nicotine, thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại nhất

Nguồn: GSTHR

Có thể thấy, điểm chung của các quốc gia có điều kiện kiểm nghiệm khoa học đối với TLĐT, TLLN là có tiềm lực khoa học, y tế phát triển. Còn việc thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam đối với các sản phẩm TLĐT, TLLN trong thời gian này là chưa khả thi. Tuy nhiên, dù không thể thực hiện các nghiên cứu đồ sộ, các cơ quan trong nước vẫn có thể tham khảo nghiên cứu khoa học từ nhiều cơ quan y tế quốc tế.

Giải pháp này cũng phù hợp với tinh thần của luật Dược sửa đổi 2024 mà Bộ Y tế đang đề xuất Quốc hội thông qua. Theo dự thảo này, Việt Nam có thể mở rộng việc thừa nhận, công nhận, áp dụng bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt của các nước trên thế giới, làm cơ sở đánh giá đáp ứng điều kiện. Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược nhằm bổ sung các chính sách phù hợp, mang tính đột phá để thu hút đầu tư.

Trở lại vấn đề thuốc lá mới,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề xuất: Cần có hành lang pháp lý quản lý thuốc lá mới, quản lý và phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL); tránh phân biệt đối xử giữa các sản phẩm thuốc lá; không bị ảnh hưởng bởi cam kết quốc tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài; áp dụng đồng bộ các quy định của Luật Đầu tư, Luật PCTHTL, mà chưa cần phải sửa luật ngay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.