Thế giới đang ứng phó thế nào với Covid-19 ?

20/04/2022 10:00 GMT+7

Sau hơn 2 năm chống dịch, tình hình Covid-19 trên thế giới đang có xu hướng giảm và nhiều nước đẩy nhanh quá trình quay lại cuộc sống bình thường .

Nhà Trắng đầu tuần này thông báo Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19 lần hai sẽ được tổ chức vào ngày 12.5. Trọng tâm của hội nghị dự kiến nhằm tìm cách chia sẻ vắc xin và phương pháp điều trị để có thể chấm dứt giai đoạn nguy cấp, đồng thời tiếp tục nghiên cứu về vi rút và chuẩn bị cho những đại dịch trong tương lai.

Người dân dã ngoại tại Seoul, Hàn Quốc

Reuters

Xu hướng giảm trên toàn cầu

Hiện SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan tại nhiều nước, nhưng tỷ lệ mắc mới và tử vong đã giảm trong nhiều tuần qua (mức giảm 7 ngày qua so với 7 ngày trước đó ở mức 28% tính chung toàn cầu). Theo số liệu cập nhật của trang web thống kê Worldometer, tính đến tối qua 19.4, hơn 505 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận tại hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 6,2 triệu ca tử vong và hơn 457 triệu ca hồi phục. Trong ngày 18.4, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc mới và 63 nơi ghi nhận ca tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng với làn sóng dịch mới và đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống bình thường, coi Covid-19 như bệnh đặc hữu. Theo Reuters, Anh đã dỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp y tế công cộng và giãn cách xã hội. Một số nước châu Âu khác dừng sử dụng hộ chiếu vắc xin, trong khi tại châu Đại Dương, New Zealand sẽ chấm dứt quy định bắt buộc tiêm vắc xin từ tháng sau đối với nhiều nhóm đối tượng.

Thêm 7 ca tử vong, Thượng Hải đặt thời hạn chấm dứt lây nhiễm Covid-19 cộng đồng

Mới nhất, Mỹ ngày 18.4 thông báo thôi thi hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trên máy bay. Singapore hôm qua thông báo dự kiến dỡ bỏ toàn bộ quy định xét nghiệm Covid-19 đối với du khách đã tiêm vắc xin đầy đủ, có thể trong vài tuần nữa. Thái Lan từ đầu tháng này không còn yêu cầu du khách đã tiêm

vắc xin xét nghiệm trước khi nhập cảnh và sắp tới tiếp tục bỏ quy định xét nghiệm PCR du khách tại sân bay và thay bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh từ ngày 1.5, theo Bloomberg. Campuchia từ giữa tháng 3 không yêu cầu khách quốc tế đã tiêm đủ liều vắc xin xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Hàn Quốc cũng đã dỡ bỏ phần lớn quy định về Covid-19. Riêng Trung Quốc tiếp tục chính sách “zero Covid” với việc phong tỏa nhiều thành phố khi ca nhiễm tăng.

Cảnh báo đại dịch chưa qua

Theo báo cáo gần nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12.4, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao chủ yếu ở nhóm người chưa tiêm vắc xin. Biến thể Omicron đã nhanh chóng chiếm ưu thế trên toàn cầu. Dù được cho là gây bệnh nhẹ hơn nhưng Omicron vẫn gây nguy cơ cao cho người chưa tiêm vắc xin. Số ca nhập viện tăng cao cũng gây sức ép cho hệ thống y tế các nước. WHO cảnh báo về tình trạng bất cân xứng trong tỷ lệ tiêm vắc xin tại các khu vực và lưu ý các nước cẩn trọng trong việc dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng.

Các chuyên gia WHO cho rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc và ngay cả khi trở thành bệnh đặc hữu, vẫn có hàng triệu người tử vong mỗi năm. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong bài phát biểu gần đây lưu ý mức độ lây lan còn cao trong khi độ phủ vắc xin rất thấp ở nhiều nước. Ngoài ra, việc nới lỏng quy định tạo điều kiện cho sự lây lan, gây nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Trưởng cố vấn y tế tổng thống Mỹ Anthony Fauci gần đây cũng cảnh báo tương lai đại dịch Covid-19 vẫn chưa rõ nhưng biến thể mới có thể sẽ xuất hiện tại những nơi chưa được phủ vắc xin. Bên cạnh đó, ông lưu ý việc gia tăng số lượng biến thể có thể dẫn đến bệnh “Covid mùa”, khi vi rút mạnh lên sau mỗi vài tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.