Thế giới không chấp nhận hành vi của Trung Quốc

12/05/2014 03:00 GMT+7

Ngày càng có thêm nhiều tờ báo lớn và chuyên gia quốc tế lên tiếng về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam.


Các tàu Trung Quốc đang bảo vệ cho giàn khoan Hải Dương-981 ở phía xa 

Trang mạng của Yomiuri Shimbun, nhật báo lớn nhất Nhật Bản, đăng bài xã luận với tựa đề: “Cộng đồng quốc tế không bao giờ chấp nhận hành vi của Trung Quốc ở biển Đông”. Bài xã luận nhấn mạnh: “Hành động khoan dầu không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng. Trong một động thái tương tự, nước này đã yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép khi hoạt động ở biển Đông (từ tháng 1.2014 - NV)”.

Bài xã luận còn chỉ ra Trung Quốc khăng khăng tuyên bố chủ quyền trong cái gọi là đường chín đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò, “liếm” gần trọn biển Đông, nhưng đường này “không có bất kỳ cơ sở nào theo quy định của luật pháp quốc tế và cũng không nhận được sự ủng hộ từ các nước liên quan”. Từ đó, bài xã luận khẳng định việc cộng đồng quốc tế chỉ trích những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở biển Đông là “điều tất yếu”. Yomiuri Shimbun kêu gọi: “Cộng đồng quốc tế cũng nên đưa ra những quy định quốc tế dựa trên cơ sở luật pháp và đưa Trung Quốc vào khuôn khổ của những quy định đó”. Bài xã luận cũng thúc giục cộng đồng quốc tế ủng hộ những nỗ lực của các bên hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Trước đó, 2 tờ báo lớn khác của Nhật là Sankei và Asahi Shimbun cũng lần lượt đăng bài chỉ trích việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou - 981) ở vùng biển của Việt Nam là “hành động trái phép, phi pháp” và “Trung Quốc phải dừng khoan dầu ở biển Đông”. Nhật báo lừng lẫy The New York Times của Mỹ cũng lên tiếng với bài xã luận cảnh báo “Trung Quốc vừa đẩy căng thẳng leo thang nguy hiểm” ở biển Đông. “Động thái này chắc chắn khiến các quốc gia khu vực cảm thấy ngày càng bị đe đọa bởi những tuyên bố chủ quyền mang tính bành trướng của Trung Quốc”, The New York Times viết. Theo bài xã luận: “Các phản đối và tuyên bố từ phía Trung Quốc không thể thuyết phục được ai vì nếu nước này không triển khai giàn khoan thì sẽ không có đối đầu hay căng thẳng như hiện nay”. Từ đó, The New York Times kêu gọi: “Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành vi hung hăng, các nước láng giềng trong khu vực cần thống nhất và đồng thuận về vấn đề biển Đông”.

“Không lường trước hậu quả”

Liên quan đến việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, AFP dẫn lời Giáo sư Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay muốn thiên về “cách tiếp cận mạnh tay” hơn so với trước đó. Tuy nhiên, phản ứng kiên quyết, mạnh mẽ của Việt Nam cho thấy các nước khu vực không thể ngồi yên để Trung Quốc “muốn làm gì thì làm” và theo ông Lý, đây là điều dường như Bắc Kinh không lường trước. Tiến sĩ Oh Ei Sun, cũng thuộc Trường S.Rajaratnam, nói trên tờ South China Morning Post: “Thái độ của Trung Quốc đang gây khó hiểu. Họ tuyên bố muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với láng giềng, nhưng lại cố ý hành động ngày càng quyết liệt hơn”. Ông Oh cho rằng các quốc gia Đông Nam Á có thể nhận rõ là Trung Quốc đang leo thang tranh chấp thay vì khiến nó lắng xuống.

Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Nghê Lạc Hùng ở Thượng Hải cảnh báo biển Đông “đang trở thành nồi nước sôi”, còn chuyên gia Barry Sautman tại ĐH Khoa học và công nghệ Hồng Kông phân tích với AFP rằng Trung Quốc cố hành động quyết liệt liên quan đến tuyên bố chủ quyền của họ ở đảo này hay đảo kia trên biển Đông nhằm duy trì tính liên tục của tuyên bố phi lý đó, nhưng “điều này có mang lại lợi ích chính trị cho Trung Quốc hay không là một chuyện khác”. Theo hầu hết các chuyên gia, chính những hành động của Trung Quốc sẽ càng khiến các quốc gia Đông Nam Á tăng cường năng lực phòng thủ đồng thời ủng hộ hơn nữa chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Cố tình phớt lờ sự thật

Sau khi các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố về tình hình biển Đông ngày 10.5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lại tuyên bố vấn đề biển Đông “không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc”, theo Tân Hoa xã. Bà Hoa còn ngang nhiên nhấn mạnh Trung Quốc “phản đối nỗ lực của một hoặc 2 quốc gia muốn dùng vấn đề biển Đông làm tổn hại tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Giới quan sát nhận định các tuyên bố trên cho thấy Trung Quốc muốn gây bất đồng trong nội bộ ASEAN trong nỗ lực giải quyết căng thẳng ở biển Đông khi lần đầu tiên kể năm 1995, hiệp hội mới ra tuyên bố chung về tình hình biển Đông. Trên thực tế, ASEAN có 10 thành viên thì đã có 4 nước trực tiếp tham gia tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Trung Quốc là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Mới đây, giới chức quân sự Indonesia cũng bày tỏ lo ngại khi một phần vùng biển thuộc quần đảo Natuna của nước này bị đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc “liếm” trúng. Vậy thì làm sao đây “không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc”? Chưa hết, nếu đây chỉ là chuyện của một hai quốc gia nào đó thì tại sao Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, EU và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đều vô cùng quan ngại về hành vi đặt giàn khoan của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam?

Minh Trung

Văn Khoa

>> Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
>> Mỹ đã làm gì để ngăn sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông?
>> Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi chấm dứt hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hành động 'cực kỳ nguy hiểm' của Trung Quốc đe dọa hòa bình biển Đông
>> Tướng Trung Quốc thăm Mỹ trong bối cảnh biển Đông căng thẳng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.