Các nhà phân tích lo ngại Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) sau khi nước này đưa máy bay ra Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc có thể điều thêm nhiều máy bay quân sự ra các đảo nhân tạo xây phi pháp trên Biển Đông - Ảnh: Reuters |
Reuters ngày 5.1 dẫn nhận định của giới quan chức nước ngoài và các chuyên gia phân tích sau sự kiện Trung Quốc đưa máy bay ra Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 2.1. Các chuyên gia lo ngại về tình hình Biển Đông sẽ phức tạp thêm sau hành động gây căng thẳng này của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm tại một trong những đường băng mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông cho thấy các cơ sở hạ tầng Bắc Kinh xây dựng trái phép đã hoàn thành, và tiếp theo chắc chắn Trung Quốc sẽ điều máy bay quân sự tới đó.
Reuters cũng cho biết, các quan chức nước ngoài và chuyên gia phân tích nhận định việc tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ là bước khởi đầu cho việc lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông do Bắc Kinh kiểm soát, chắc chắn gây căng thẳng trong khu vực.
Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng các đường băng trên các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo phi pháp suốt hơn một năm qua, vì thế việc đáp thử máy bay trên Đá Chữ Thập vừa qua không gây bất ngờ nhưng lại gia tăng căng thẳng. Với chiều dài khoảng 3.000 mét, đường băng trên đảo nhân tạo đủ để các máy bay ném bom tầm xa, máy bay vận tải cũng như các loại máy bay chiến đấu tốt nhất của Trung Quốc có thể hoạt động.
Giới chức Mỹ tại khu vực cho biết, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xây dựng một loạt cảng, kho chứa và các khu đồn trú quân sự trên các đảo nhân tạo. Riêng Đá Chữ Thập, Trung Quốc có thể sẽ lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm và các phương tiện liên lạc quân sự khác.
|
Chuyên gia nghiên cứu Leszek Buszynski tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc cho rằng việc Trung Quốc đưa các máy bay quân sự tới những đảo này là “không thể tránh khỏi”. Theo ông Buszynski, mặc dù Trung Quốc có thể chưa sớm tuyên bố một vùng phòng không, nhưng một khi Trung Quốc đã củng cố xong sức mạnh không quân của họ thì điều đó sẽ xảy ra.
Chuyên gia Buszynski nhận định, Trung Quốc sau khi đã thử nghiệm nhiều chuyến bay sẽ điều tới các đảo nhân tạo những chiếc Su-27 và Su-33 và hoạt động cố định tại đó. "Đó là những gì Trung Quốc sẽ làm”, Reuters dẫn lời ông Buszynski.
Trong khi đó, ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, cho rằng khi Trung Quốc sử dụng các cơ sở hạ tầng mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông nhằm tăng cường ảnh hưởng tại khu vực thì căng thẳng trên Biển Đông sẽ càng tồi tệ hơn.
Theo ông Ian Storey, ngay cả khi Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không thì chắc chắn họ sẽ vẫn có những hành động để bảo vệ các đường băng mới cùng nhiều công trình hạ tầng khác. "Khi các công trình này đi vào hoạt động, việc Trung Quốc đưa ra những cảnh báo với cả máy bay quân sự và dân sự sẽ trở nên thường xuyên hơn. Và đây là những tiền đề để Trung Quốc tuyên bố ADIZ".
Trung Quốc ngày 2.1 đã lần đầu tiên sử dụng đường băng do nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngay sau đó, Việt Nam đã trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như các thỏa thuận và tuyên bố đã đạt được giữa hai bên.
Các nước Mỹ, Philippines và Nhật Bản sau đó cũng lên tiếng chỉ trích hành động đơn phương này của Trung Quốc làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông.
Bình luận (0)