Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thu hút sự quan tâm không chỉ của giới chính khách, giới truyền thông mà cả người dân của nhiều nước từ châu Á đến châu Âu.
Đức
Truyền thông Đức có lẽ ưu ái và muốn bà Clinton đắc cử. “Ngày càng thấy rõ rằng Donald Trump không thể giành chiến thắng, và người theo chủ nghĩa dân túy như ông Trump không nên trở thành người đàn ông quyền lực nhất thế giới”, theo tờ Wetzlarer Neue Zeitung (Đức).
Tờ Rheinische Post (Đức) thì cho rằng chỉ có bà Clinton mới có thể “lãnh đạo nước Mỹ đi qua cuộc khủng hoảng”. Kết quả khảo sát người dân Đức của đài N24 (Đức) cho thấy ông Trump không có cơ hội trở thành tổng thống Mỹ nếu người Đức phải bỏ phiếu. Cũng theo khảo sát này, 77% người Đức tin rằng người dân Mỹ sẽ chọn bà Clinton và bà sẽ đắc cử.
Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về hai ứng viên tổng thống Mỹ, nhưng tạp chí Merkur (Đức) tiết lộ bà Merkel muốn bà Clinton đắc cử. Truyền thông Đức gần đây cũng ca ngợi bà Clinton sau khi ứng cử viên này gọi Thủ tướng Merkel là “nữ lãnh đạo mạnh mẽ, phi thường”, trong khi đó ông Trump lại tố bà Merkel “đang hủy hoại đất nước Đức”.
Trung Quốc
Tương tự Đức, Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố chính thức gì về hai ứng viên tổng thống Mỹ. Nhưng vào cuối tháng 9.2016, chính quyền Trung Quốc đã lên án ông Trump vì ứng cử viên này đề xuất Trung Quốc nên xâm lược Triều Tiên “để giải quyết vấn đề” cho Mỹ (?).
Theo các cuộc thăm dò của trang tin GB Times (Trung Quốc), một số người dân Trung Quốc ủng hộ ông Trump, trong khi một số khác ủng hộ bà Clinton vì bà “rất quan tâm đến phụ nữ và trẻ em”. Một số khác chỉ trích chiến dịch tranh cử, cho rằng nền dân chủ Mỹ chỉ là “thùng rỗng kêu to”.
Trong một bài xã luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc), nhà báo Shen Dinglim nhận xét: “Ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy xấu hổ vì kiểu dân chủ như thế này và nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay”.
Cuộc khảo sát của PEW cho thấy chỉ 37% người dân ở Trung Quốc có cái nhìn tích cực về bà Clinton, trong khi đối với ông Trump chỉ có 22%.
Nga
Tổng thống Nga Putin là cái tên xuất hiện nhiều trong cuộc tranh luận của ông Trump và bà Clinton Reuters
Nga trở thành tâm điểm trong các chiến dịch tranh cử Mỹ sau khi chính phủ Mỹ chính thức cáo buộc Nga chỉ đạo tin tặc tấn công mạng, phá hoại cuộc bầu cử ở Mỹ. Nga bác bỏ và gọi đây là cáo buộc “vô căn cứ”.
Thủ trướng Dmitry Medvedev khẳng định không ai có thể gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, “bởi vì kết quả tùy thuộc quyết định của người dân Mỹ”. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ, khẳng định Nga không phá hoại cuộc bầu cử. Ông Putin cho biết thêm những cáo buộc nhắm vào Nga là nhằm đánh lạc hướng cử tri khỏi những vấn đề thật sự mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Levada (Nga) cho thấy 91% người dân Nga quan tâm đến cuộc bầu cử ở Mỹ, với 38% ủng hộ ông Trump và 9% ủng hộ bà Clinton. Tổng thống Putin từng khen ông Trump là “một người rất tài năng”, trong khi ông Trump ca ngợi Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo tốt hơn Tổng thống Obama.
Triều Tiên
Chính quyền và truyền thông Triều Tiên không công bố bất kỳ ý kiến bình luận gì về hai ứng viên tổng thống Mỹ. Nhưng ông Trump được xem là ứng viên mơ ước đối với Triều Tiên, hoặc ít nhất là các lãnh đạo Triều Tiên, nhà nghiên cứu người Triều Tiên Han Yong-muk viết trong bài xã luận đăng trên trang tin DPRK Today (trụ sở ở Trung Quốc, do chính quyền Triều Tiên tài trợ).
“Donald Trump trong mắt người Triều Tiên thật sự là một chính trị gia khôn ngoan và ứng cử viên nhìn xa trông rộng”, theo ông Han.
Israel
Quan hệ Mỹ và đồng minh Israel trở nên xấu đi do những bất đồng liên quan đến vấn đề khu vực Bờ Tây và thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gặp cả bà Clinton và ông Trump tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9.2016, nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận nào về hai ứng viên này.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn tuyên bố thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Israel. Tuy nhiên theo cuộc khảo sát gần đây của Viện Dân chủ Israel và Đại học Tel Aviv, 54% người dân Israel tin rằng bà Clinton sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ.
Iran
ổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích chiến dịch tranh cử của ông Trump và bà Clinton Reuters
Các lãnh đạo Iran thì không ngớt lời chỉ trích chiến dịch tranh cử của hai ứng viên Trump và Clinton. “Mọi người xem các cuộc tranh luận, cách họ tranh luận thì chỉ thấy được cách họ đấu tố và mỉa mai nhau”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói trong một bài phát biểu trước người dân ở thành phố Arak.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9.2016, khi được hỏi sẽ chọn ai giữa ông Trump và bà Clinton, Tổng thống Rouhani đáp: “Tôi nên chọn người tệ so với người tệ hơn, hay là chọn người tệ hơn so với người tệ?”.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thì chỉ trích chiến dịch tranh cử của cả ông Trump lẫn bà Clinton là “thực tế thảm họa” của nước Mỹ.
Campuchia
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 3.11 nói ông mong muốn ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, vì Trump xoa dịu căng thẳng với Nga và mang xu hướng không muốn châm ngòi chiến tranh.
“Tôi thật sự muốn ông Trump đắc cử. Nếu ông Trump đắc cử, thế giới sẽ thay đổi và có thể tình hình sẽ trở nên tốt đẹp; bởi vì ông Trump là một doanh nhân nên ông không muốn chiến tranh”, Thủ tướng Hun Sen nói trong bài phát biểu trước hàng ngàn sĩ quan cảnh sát tại học viện cảnh sát Campuchia.
Người Mỹ ngày 8.11 sẽ bỏ phiếu lựa chọn Hillary Clinton hoặc Donald Trump, cả hai đại diện cho hai thái cực đối lập từ chính sách đối nội đến đối ngoại.
Thủ tướng Hun Sen từng hội đàm với bà Clinton hai lần khi bà thăm Campuchia hồi còn đương chức ngoại trưởng. Ông Hun Sen cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ tệ hại hơn nếu bà Clinton đắc cử.
Ông Hun Sen, giữ chức Thủ tướng Campuchia suốt ba thập niên qua, nhiều lần phản ứng giận dữ trước việc Mỹ bày tỏ quan ngại đối với vấn đề nhân quyền và tham nhũng ở Campuchia. Gần đây Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc cũng đã bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng leo thang giữa chính phủ Hun Sen và phe đối lập trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Bình luận (0)