Thế giới nóng hơn sẽ khiến dịch bệnh xuất hiện nhiều

Ngọc Quý
Ngọc Quý
01/09/2022 09:18 GMT+7

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên trong những thập niên gần đây thì số lượng bùng phát bệnh truyền nhiễm như SARS, MERS, Zika, Covid-19, đậu mùa khỉ cũng tăng theo. Nghiên cứu cho rằng nóng lên toàn cầu đã góp phần gây ra tình trạng này.

Nghiên cứu vừa được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature Climate Change. Trong nghiên cứu, các tác giả đã cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, hạn hán, sóng nhiệt, bão lụt với sự bùng phát của 375 loại bệnh truyền nhiễm ở con người.

Nóng lên toàn cầu có thể khiến nhiều dịch bệnh hơn xuất hiện trong tương lai

SHUTTERSTOCK

Nhóm tác giả phát hiện 58% các loại bệnh truyền nhiễm đe dọa sức khỏe cộng đồng được thúc đẩy từ biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, theo tạp chí Time (Mỹ).

“Đây là tác động của biến đổi khí hậu. Và những tác động này đang ảnh hưởng đến chúng ta ngay tại đây, ngay lúc này”, tiến sĩ Vishnu Laalitha Surapaneni, một trong những tác giả nghiên cứu và phó giáo sư y khoa tại Đại học Minnesota (Mỹ), giải thích.

Các nhà khoa học tin rằng virus, vi khuẩn và các mầm bệnh truyền nhiễm không thể mạnh hơn khi nhiệt độ môi trường tăng cao. Chúng dễ lây nhiễm hơn là do các động vật mang mầm bệnh, chẳng hạn như muỗi và nhiều loại côn trùng khác, sẽ phát triển nhanh hơn khi nhiệt độ ấm lên.

Nhiệt độ môi trường ấm lên thì muỗi sẽ bay xa hơn để tìm nơi có khí hậu phù hợp. Điều này cũng có nghĩa là chúng sẽ có khả năng cao hơn lây bệnh cho các loại động vật có vú khác. Từ động vật có vú, bệnh truyền nhiễm sẽ lây sang con người. Các loại bệnh mà muỗi là loài trung gian truyền bệnh như Zika, sốt vàng da đã xuất hiện ở nhiều nơi vốn trước đây hiếm khi ghi nhận.

Nước biển ấm lên cũng tạo điều kiện cho các mầm bệnh nguy hiểm khác phát triển mạnh, chẳng hạn như vi khuẩn ăn thịt người Vibrio vulnificus.

Chim là động vật trung gian truyền bệnh cho muỗi. Khí hậu khô hạn hơn khiến chim phải bay xa hơn để tìm nước, từ đó tạo điều kiện để mầm bệnh lây lan.

Khí hậu nóng lên cũng tác động đến dơi, làm chúng phải bay đến những vùng đất có khí hậu dễ chịu hơn. Tình trạng này làm tăng nguy cơ tiếp xúc và lây bệnh cho con người, chẳng hạn như lây virus Corona.

Các tác giả cho rằng cần nghiên cứu nhiều hơn để hiểu cách lây truyền mầm bệnh giữa các loại động vật. Điều này sẽ giúp hiểu hõ hơn hành vi của chúng sẽ ảnh hưởng đến con người thế nào, theo Time.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.