Thế giới phong tỏa chống dịch COVID-19

Văn Khoa
Văn Khoa
18/03/2020 01:14 GMT+7

Nhiều nước ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ tiến hành biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới hoặc áp dụng lệnh giới nghiêm nhằm phòng chống dịch Covid-19 .

Hôm qua 17.3, Sàn giao dịch chứng khoán Philippines và Hiệp hội Ngân hàng Philippines thông báo dừng hoạt động giao dịch trái phiếu, chứng khoán và tiền tệ cho đến khi có thông báo mới, trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường tài chính nhằm ứng phó dịch Covid-19, theo Reuters.

Hạn chế đi lại, giới nghiêm

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh gần 55 triệu người trên đảo chính Luzon, bao gồm thủ đô Manila, ở nhà trong một tháng. Lệnh phong tỏa Luzon, có hiệu lực từ ngày 17.3, không cho người dân đi làm hay sử dụng phương tiện công cộng.
Ông Duterte cảnh báo những người vi phạm lệnh phong tỏa sẽ bị bắt giữ. Tuy nhiên, biện pháp mới vẫn cho phép người dân rời khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm và đi làm trong một số lĩnh vực, theo AFP.

[VIDEO] Malaysia hạn chế đi lại, Thái Lan không có lễ hội té nước Songkran vì đại dịch Covid-19

Ở Malaysia, chính phủ sẽ bắt đầu tiến hành biện pháp phong tỏa một phần từ 18 - 31.3, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Cụ thể, các công dân Malaysia sẽ bị cấm đi ra nước ngoài và tất cả công ty sẽ đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm và nhu yếu phẩm. Du khách bị hạn chế nhập cảnh Malaysia, nhưng người nước ngoài vẫn được phép rời khỏi nước này.
Hôm 16.3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi người dân ở nhà trong vòng 15 ngày kể từ 17.3, ngoại trừ đi mua thực phẩm, đi làm hoặc khám bệnh. Những người vi phạm lệnh hạn chế đi lại này sẽ bị xử phạt tối đa 135 euro (3,5 triệu đồng). Chính quyền sẽ triển khai 100.000 cảnh sát, lập các chốt kiểm soát để thi hành lệnh hạn chế đi lại. Trong khi đó, quân đội sẽ điều động binh sĩ hỗ trợ đưa bệnh nhân Covid-19 đến bệnh viện.
Thế giới phong tỏa chống dịch1

Cảnh sát kiểm tra thân nhiệt người dân ở thành phố Quezon, Philippines

Ảnh: Reuters

Tại Mỹ, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy cho hay kể từ tối 16.3, mọi hoạt động bán lẻ không cần thiết, hoạt động giải trí trong bang đều phải đóng cửa sau 20 giờ. Mọi hoạt động đi lại không cần thiết và không khẩn cấp cũng bị giới hạn từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, theo Reuters. Thống đốc Puerto Rico Wanda Vazquez thì yêu cầu tất cả người dân ở trong nhà 24/7 cho đến ngày 30.3. Đây là lãnh thổ Mỹ đầu tiên áp dụng biện pháp chống dịch Covid-19 quyết liệt như thế, theo AFP.
Tại Ecuador, Tổng thống Lenin Moreno tuyên bố sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ tối 17.3 và tạm dừng hầu hết các hoạt động thông thường.

Đóng cửa biên giới

Cũng từ hôm qua, EU đóng cửa biên giới với phần còn lại của thế giới trong 30 ngày. Quyết định đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra vào sáng 16.3. Theo lệnh cấm, đối tượng được miễn trừ chỉ là những người làm việc trong lĩnh vực y khoa và khoa học liên quan đến Covid-19.

[VIDEO] EU kêu gọi phong tỏa toàn khối để chống đại dịch Covid-19

Tại châu Mỹ Latin, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho hay nước này đóng cửa biên giới từ ngày 17.3, có thể kéo dài đến ngày 30.5, theo Reuters.
TASS hôm qua cũng đưa tin Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký quyết định áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài và những người không có quốc tịch trong thời gian từ 18.3 - 1.5. Lệnh cấm không áp dụng đối với nhân viên ngoại giao, thành viên của các phái đoàn chính thức, người có hộ chiếu ngoại giao và một số đối tượng khác.
Tương tự, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm qua thông báo sẽ đóng cửa biên giới đối với những người không phải là công dân hay cư dân thường trú của nước này. Tuy nhiên, ông Trudeau cho hay công dân Mỹ, các nhà ngoại giao và một số đối tượng khác được miễn trừ lệnh cấm, theo SCMP.

[VIDEO] Nhiều thành phố lớn của Mỹ "đóng cửa" vì Covid-19

Hồi tháng trước, một quan chức y tế CHDCND Triều Tiên cho tờ Choson Sinbo hay chính phủ nước này sẽ duy trì lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài cho đến khi bệnh Covid-19 có thể được chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi đúng cách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.