Chuyên san The Lancet ngày 21.3 đăng một nghiên cứu lớn dự báo dân số của hầu hết mọi quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ giảm vào cuối thế kỷ này, trong khi sự bùng nổ sinh con ở một vài nước đang phát triển và sụt giảm sinh ở các nước giàu có sẽ ảnh hưởng nhiều lĩnh vực. Dân số thế giới vượt con số kỷ lục 8 tỉ người vào ngày 15.11.2022 nhưng đó có thể là đỉnh điểm trước khi dân số giảm.
97% các nơi sẽ giảm dân số
Hiện tỷ suất sinh ở một nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã quá thấp để duy trì quy mô dân số, theo nghiên cứu chung của hàng trăm chuyên gia quốc tế. Dữ liệu cho thấy tỷ suất sinh toàn cầu (tức số con sinh ra trung bình trên mỗi phụ nữ) đã giảm từ khoảng 5 con vào năm 1950 xuống còn 2,2 con vào năm 2021.
Sử dụng một lượng lớn dữ liệu toàn cầu về sinh, tử và yếu tố thúc đẩy khả năng sinh sản, các nhà nghiên cứu đã cố gắng dự báo tương lai dân số thế giới. Nghiên cứu dẫn dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá y tế (IHME - Mỹ) cho thấy đến năm 2050, dân số của 155 trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ bị thu hẹp. Vào cuối thế kỷ này, điều đó sẽ xảy ra tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, tương đương 97%.
Đáng chú ý, xu hướng tỷ lệ sinh sẽ vẫn tương đối cao, giúp tăng dân số tại một số nước thu nhập thấp, chủ yếu tại vùng hạ Sahara ở châu Phi. Dự báo chỉ có Samoa, Somalia, Tonga, Niger, Chad và Tajikistan có tỷ suất sinh vượt mức thay thế là 2,1 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 2100. Hậu quả là thế giới sẽ phân hóa về mặt nhân khẩu học, với nhiều tác động kinh tế - xã hội.
"Hầu hết thế giới đối diện thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế do lực lượng lao động thu hẹp, bên cạnh việc phải chăm sóc dân số già đi. Trong khi đó, nhiều nước có nguồn tài nguyên giới hạn tại vùng hạ Sahara sẽ phải xoay xở để hỗ trợ dân số trẻ, phát triển nhanh", theo ông Stein Emil Vollset tại IHME, tác giả cao cấp của nghiên cứu.
Lợi và hại
Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ suất sinh giảm, nhưng chủ yếu do ngày càng nhiều phụ nữ tiếp cận giáo dục và nghề nghiệp, cũng như các biện pháp tránh thai. "Ở một góc độ nào đó, tỷ suất sinh giảm là câu chuyện thành công, phản ánh không chỉ các biện pháp tránh thai tốt hơn, dễ dàng tiếp cận hơn mà còn thể hiện việc họ có nhiều cơ hội hơn về giáo dục và việc làm", theo tạp chí Newsweek dẫn lời ông Vollset.
Viết trong nghiên cứu, các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng có thể có những lợi ích với dân số nhỏ hơn, chẳng hạn như về môi trường và an ninh lương thực. Tuy nhiên, những quốc gia có tỷ suất sinh giảm sẽ gặp bất lợi lớn về nguồn cung lao động, an sinh xã hội và địa chính trị.
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục
Với những quốc gia có tỷ suất sinh và tăng trưởng dân số cao, những thay đổi về dân số thế giới sẽ làm gia tăng nguy cơ nghèo, mất an ninh lương thực và bất ổn chính trị. Chuyên gia Natalia Bhattacharjee tại IHME, đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng xu hướng dân số mới sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của các mạng lưới viện trợ toàn cầu. Bên cạnh đó, bà dự báo sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt về người di cư nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. "Những xu hướng tương lai về tỷ lệ sinh sẽ định hình lại hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực quốc tế, đồng thời đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội. Một khi dân số của gần như mọi quốc gia bị thu hẹp, việc phụ thuộc vào nhập cư sẽ trở nên cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế", bà cho biết.
Trong nghiên cứu, các chuyên gia của WHO khuyến nghị cần thận trọng đối với các dự báo. Họ chỉ ra một số hạn chế của các mô hình, đặc biệt là việc thiếu dữ liệu từ nhiều quốc gia đang phát triển.
Cần thêm hỗ trợ đối với cha mẹ
Các tác giả nghiên cứu khuyến nghị cần có sự tiếp cận tốt hơn đối với các biện pháp tránh thai và giáo dục dành cho phụ nữ, nhằm giảm tỷ suất sinh ở các nước có mức sinh cao. Trong khi đó, với các nước thu nhập cao và có tỷ suất sinh thấp, họ khuyến nghị ưu tiên các chính sách hỗ trợ cha mẹ và di cư mở, giúp duy trì quy mô dân số và tăng trưởng kinh tế.
Tạp chí Newsweek dẫn lời Giáo sư Teresa Castro Martin tại Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha lưu ý rằng tỷ suất sinh tăng sẽ tập trung tại những khu vực dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, thiếu tài nguyên, bất ổn chính trị, nghèo và có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao. Theo bà, một điều quan trọng nữa là cần nhận thức rõ hơn tác động của các chính sách gia đình tại những quốc gia có tỷ suất sinh thấp, chẳng hạn như tăng thời gian nghỉ thai sản, phổ cập các trường mẫu giáo, hỗ trợ chăm sóc trẻ em hoặc tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ điều trị sinh sản.
Bình luận (0)