Thế giới sẽ ra sao nếu không có nhiên liệu hóa thạch?

Văn Khoa
Văn Khoa
01/10/2023 19:02 GMT+7

Thế giới mỗi năm sản xuất lượng nhiên liệu hóa thạch đáng kinh ngạc, với khoảng 36,5 tỉ thùng dầu và hơn 8 tỉ tấn than, theo báo The Washington Post.

Khi những nhiên liệu hóa thạch được đốt cháy, các khí làm hành tinh nóng lên sẽ được thải ra. Tất cả than, dầu và khí đốt là nguyên nhân khiến tháng 9 chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục và thế giới có thể sẽ không đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C, theo bài phân tích do The Washington Post đăng ngày 30.9.

Khi những nhà hoạt động vì khí hậu tuần hành hoặc biểu tình ngồi, họ thường kêu gọi chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tại Tuần lễ Khí hậu ở thành phố New York (Mỹ) từ ngày 17-24.9, những người biểu tình đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngay bây giờ" và gửi thư cho Tổng thống Joe Biden, đề nghị ông cam kết loại bỏ dần việc khai thác nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ.

Thế giới sẽ ra sao nếu không có nhiên liệu hóa thạch? - Ảnh 1.

Hạ nghị sĩ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez nói chuyện với các nhà hoạt động khi họ bắt đầu Tuần lễ Khí hậu ở thành phố New York ngày 17.9 nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ hành động về biến đổi khí hậu và dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Reuters

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Những quốc gia được mời là những nước sẵn sàng cam kết "không có than, dầu và khí đốt mới".

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới đột ngột dừng khai thác nhiên liệu hóa thạch? Và tình trạng đó có ý nghĩa như thế nào đối với những nỗ lực loại bỏ thứ mà nhân loại đã phụ thuộc trong nhiều thế kỷ?

Sẽ là thảm họa?

Hầu hết mọi người đều nhất trí rằng việc ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch một cách đột ngột, chẳng hạn như nếu Mỹ, Ả Rập Xê Út và những nhà sản xuất lớn khác cùng lúc đóng cửa các giếng dầu của họ, sẽ là một thảm họa, theo The Washington Post.

Nếu việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch bị ngừng vào ngày mai, thế giới sẽ bị đình trệ nhanh chóng. Ngay cả ở những khu vực có phần lớn điện được sử dụng từ nguồn năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch thường được sử dụng để cung cấp nguồn điện "cố định" bất cứ lúc nào trong ngày hay đêm. Nếu không có nguồn điện đó, các mạng lưới điện sẽ bị mất điện trên diện rộng.

Thế giới sẽ ra sao nếu không có nhiên liệu hóa thạch? - Ảnh 2.

Một cơ sở của tập đoàn dầu khí đa quốc gia BP ở Vịnh Mexico ngày 11.5.2017

Reuters

Trong vòng vài tuần, tình trạng thiếu dầu sẽ cản trở việc vận chuyển thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác, vì dầu vẫn là nhiên liệu chính được sử dụng cho vận tải đường bộ và vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới.

"Ngay cả khi tôi có thể đi bộ đến cửa hàng tạp hóa thì ở đó cũng sẽ không có thực phẩm", chuyên gia Samantha Gross, giám đốc sáng kiến khí hậu và an ninh năng lượng tại Viện Brookings (Mỹ), cho hay.

Chính phủ các nước có thể sẽ nỗ lực hạn chế nhu cầu và phân bổ các kho nhiên liệu hóa thạch còn lại, nhưng những nguồn dự trữ đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Chẳng hạn, kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ hiện chứa khoảng 347 triệu thùng dầu, nhưng chỉ đủ cho nước này sử dụng trong 17 ngày với mức độ sử dụng hiện tại, và cho cả thế giới chỉ trong 3 ngày rưỡi.

Yêu cầu của các nhà hoạt động vì khí hậu

Tất nhiên, việc loại bỏ nguồn nhiên liệu hóa thạch một cách đột ngột như trên không phải là điều mà các nhà hoạt động thực sự yêu cầu. Nhiều nhóm đang tập trung vào việc ngăn chặn việc khai thác dầu khí mới, phù hợp với các mô hình cho thấy rằng bất kỳ hoạt động sản xuất dầu khí mới nào cũng sẽ khiến thế giới không đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.

Trong đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổ chức làm gương trong việc chuyển đổi năng lượng theo hướng giảm phát thải carbon, cho rằng thế giới không cần phải mở các mỏ than mới hoặc phát triển các dự án dầu khí có thời gian thực hiện dài, nhưng "cần tiếp tục đầu tư vào một số tài sản dầu khí hiện có và các dự án khác đã được phê duyệt".

Tuy nhiên, các giếng dầu và khí đốt mới vẫn tiếp tục xuất hiện trên khắp thế giới. Theo một báo cáo gần đây của tổ chức Oil Change International (Mỹ), Mỹ chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 quy mô mở rộng nhiên liệu hóa thạch đã được lên kế hoạch từ nay đến năm 2050.

Thế giới sẽ ra sao nếu không có nhiên liệu hóa thạch? - Ảnh 3.

Các nhà hoạt động đánh dấu sự khởi đầu của Tuần lễ Khí hậu ở thành phố New York (Mỹ) ngày 17.9 nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ hành động về vấn đề biến đổi khí hậu và từ chối sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Reuters

Các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu lâu nay tranh luận về việc liệu các nước phát triển có nên ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trước tiên hay không, vì tính đến nay, họ đã thải ra nhiều lượng khí thải carbon nhất, hay họ tiếp tục sản xuất để đảm bảo cung cấp nhiên liệu hóa thạch ổn định cho phần còn lại của thế giới.

Khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, việc xây dựng năng lượng tái tạo cần được cân bằng với việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc xác định thời điểm cho hai quá trình đầy khó khăn và phức tạp này không phải dễ. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, đang dẫn đầu nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới vào năm 2050, cho hay ông lo lắng về việc chuyển đổi sang năng lượng sạch có thể khiến các lao động làm việc tại các mỏ than, dầu và khí đốt thất nghiệp như thế nào.

Các nhà hoạt động vì khí hậu và giới hoạch định chính sách lâu nay đã tranh luận về việc nên tập trung vào hành động vì khí hậu là cắt giảm nhu cầu bằng cách xây dựng năng lượng tái tạo, loại bỏ dần xe chạy bằng xăng dầu... hay cắt giảm nguồn cung bằng cách ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Cho đến nay, chính phủ các nước vẫn chưa tập trung nhiều vào việc cắt giảm nguồn cung, khiến các nhà hoạt động thất vọng, theo The Washington Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.