3 chàng trai sống đẹp

02/02/2017 09:02 GMT+7

Có những người trẻ dành thời gian, công sức chỉ muốn giúp xã hội, giúp đỡ người khác. Họ đã giúp nhiều hoàn cảnh kém may mắn cảm thấy có niềm tin hơn trong cuộc sống.

Câu chuyện “giúp người, giúp đời” của Võ Chí Hiếu, Lê Thanh Hải, Võ Thanh Nguyên (cùng sinh năm 1993), sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, là một minh chứng.
Một lần chứng kiến người khiếm thị đâm thẳng vào đuôi xe tải đang đậu trước mặt, 3 chàng sinh viên ở TP.HCM cứ ám ảnh cảnh tượng đó. Từ đó họ quyết tâm sáng chế gậy thông minh giúp người khiếm thị bớt khó khăn trong sinh hoạt. Nghiên cứu thành công, dù ra trường bị áp lực công việc, nhóm vẫn cố gắng huy động vốn cộng đồng để sáng chế gậy trao tặng miễn phí cho người khiếm thị.
Khi được hỏi động lực từ đâu, Võ Chí Hiếu (trưởng nhóm) bày tỏ: “Vì chúng tôi sáng mắt và thấy đó là một may mắn nên nhóm muốn làm một điều gì đó cho những người kém may mắn hơn mình".
Hơn 1 năm làm "người khiếm thị”
Mình rất mong cây gậy của nhóm sẽ được
sản xuất đại trà và bất kỳ người khiếm thị nào cũng được dùng gậy miễn phí. Niềm vui ngày hôm nay sẽ là động lực để tụi mình tiếp tục cố gắng mang gậy đến với nhiều người khiếm thị hơn nữa
Võ Chí Hiếu
Khi hình ảnh người khiếm thị đi vào trong suy nghĩ, 3 anh chàng bắt đầu trăn trở về một thiết bị ít nhất có thể giúp được những trường hợp tương tự như họ đã nhìn thấy. Hàng loạt các câu hỏi “tại sao?” hình thành và họ cùng nhau đi tìm câu trả lời.
Nhóm của Hiếu nhận thấy một thực tế, những loại gậy người khiếm thị đang dùng chỉ để dò đường và bằng linh cảm phát hiện những vật cản dưới mặt đất còn những vật cản ở tầm cao như từ đầu gối trở lên lại là vấn đề nan giải.
Bên cạnh đó, trên thế giới đã có những sản phẩm giúp người khiếm thị tiện ích hơn trong sinh hoạt, tuy nhiên những sản phẩm này cứ giống như “hàng hiếm”, giá thành cao ngất ngưởng.
Chính thực tế đó đã thôi thúc 3 chàng sinh viên ngày đêm suy nghĩ. Đến năm cuối đại học, được thực tập trong Viện Vật lý y sinh học TP.HCM, nơi chuyên làm các vật dụng giúp người khiếm thị, nhóm Hiếu quyết tâm biến niềm ấp ủ bấy lâu thành hiện thực. Tại đây, nhóm được các chuyên gia đào tạo thêm về các kiến thức cơ điện tử để nghiên cứu, chế tạo gậy dẫn đường thông minh.
Khi có được vốn kiến thức cơ bản, nhóm Hiếu bắt đầu đi tìm người khiếm thị. Nhóm đến các mái ấm, trường người khiếm thị rồi dạo khắp các tuyến đường, theo chân người khiếm thị đi bán vé số. Rồi cùng sống, cùng sinh hoạt, thậm chí là bịt mắt sinh hoạt suốt cả ngày để hiểu được từng vướng mắc mà những người không nhìn thấy ánh sáng mặt trời đang gặp phải.
Sau những tháng ngày thử làm người khiếm thị, nhóm đã tiến hành nghiên cứu và chế tạo ra thiết bị thông minh giúp phát hiện vật cản. Tuy nhiên, do không học chuyên sâu về cơ điện tử nên nhóm cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Nhóm nghiên cứu sử dụng sóng siêu âm để phát hiện vật cản. Khi chế tạo thành công bộ phận động cơ, chưa kịp vui mừng thì lúc thử nghiệm gậy cứ báo liên hồi làm người sử dụng hoang mang và mất phương hướng. Nghiên cứu mãi mới tìm ra nguyên nhân là do đặt động cơ quá thấp, mà dưới mặt đất lại có quá nhiều vật cản nên gậy mới báo liên hồi.
Khắc phục được rắc rối này lại đến rắc rối khác. “Động cơ mà nhóm sử dụng quá nặng nên khi gặp vật cản nó quay rất chậm và phải đến 2 giây sau khi phát hiện vật cản mới báo lại cho người dùng”, Hiếu nói.
“2 giây là chậm?”, chúng tôi thắc mắc. Hiếu cặn kẽ: “Từ những lần theo chân người khiếm thị mà tụi mình phát hiện được, người khiếm thị bước rất nhanh. 2 giây đối với họ là quá lâu vì có thể đâm thẳng vào vật cản trước mặt ngay lập tức. Vì thế nhóm phải tháo hết ra và nghiên cứu lại từ đầu. Vô tình phát hiện được động cơ rung của điện thoại. Động cơ này rung khá tốt mà còn nhỏ gọn nên giúp gậy bớt cồng kềnh hơn trước”.
3 chàng trai sống đẹp
Từ phải qua: Lê Thanh Hải, Võ Thanh Nguyên và Võ Chí Hiếu
“Tự kỷ” để chế tạo
Gậy dẫn đường H3N được thiết kế dựa trên gậy xếp thường của người khiếm thị, kết hợp với bộ cảm biến siêu âm do nhóm tự thiết kế. Gậy sử dụng công nghệ sóng siêu âm để phát hiện vật cản. Khi người khiếm thị dùng gậy di chuyển vào vùng có vật cản thì sóng siêu âm sẽ bắt tín hiệu trả về vi xử lý đã được nhóm lập trình và báo qua động cơ rung để người dùng biết đằng trước có vật cản mà tránh. Hiện tại gậy còn có thêm chức năng sạc pin và điều chỉnh được góc phát hiện vật cản. Với chức năng này, người dùng có thể kéo lên xuống hoặc di chuyển qua lại bộ phận cảm biến để phát hiện được vật cản ở nhiều góc độ, nhiều khoảng cách khác nhau.
Khi chế tạo thành công được sản phẩm đầu tiên, nhóm đưa cho người khiếm thị dùng thử rồi nghe phản hồi từ họ.
“Tụi mình đưa cho người khiếm thị dùng và âm thầm đi theo xem họ có dùng được không cũng như gậy có hoạt động đúng với mục tiêu mà nhóm đề ra hay không và thật vui khi thấy gậy hoạt động tốt. Khi nhìn thấy thành quả như vậy nhóm lại mong muốn mang gậy đến cho nhiều người khiếm thị hơn nhằm giúp họ đi lại thuận lợi", Hiếu tâm sự.
Chính vì thế, ngay sau khi giành giải đồng của cuộc thi thiết kế - chế tạo - ứng dụng lần 3 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, nhóm đã phối hợp với Quỹ Firststep huy động vốn cộng đồng để tìm nguồn vốn chế tạo cũng như cải tiến sản phẩm tặng miễn phí cho người khiếm thị.
Quá trình huy động vốn cũng là một thách thức của nhóm. “Không hề có kiến thức hay kỹ năng về marketing, truyền thông nên nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn. Phải thuyết phục làm sao để những người “sáng mắt” hiểu được những khó khăn mà người khiếm thị đang gặp phải thì họ mới sẵn lòng đầu tư kinh phí để nhóm thực hiện dự án”, Hiếu chia sẻ.
Không những thế, vì quá tâm đắc, muốn mang được một sản phẩm thật hoàn hảo và nhiều tính năng nhất đến tay người khiếm thị nên sau khi huy động được vốn, nhóm đã phải làm việc hết công suất để cải tiến sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian này cả ba đã ra trường và đang đi làm cùng áp lực công việc nên khiến quá trình cải tiến gặp nhiều trở ngại.
Hiếu trăn trở: “Với những người không nhìn thấy họ rất cần một thiết bị dẫn đường càng nhẹ, càng gọn càng tốt. Hơn nữa cây gậy hiện tại chỉ phát hiện vật cản ở một góc, như thế rất bất tiện. Phải làm sao để gậy có thể điều chỉnh được hướng phát hiện vật cản”.
Từ đấy, cứ tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần, Hiếu lại lân la đến các cửa hàng bảo hành, sửa chữa thiết bị điện tử. Mà theo lời Hiếu, ở đấy có rất nhiều thợ giỏi để có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm. “Từng kiến thức nhỏ góp nhặt sẽ thành khối kiến thức lớn. Đấy cũng là bí quyết giúp mình từ một người không biết gì về cơ điện tử vẫn có thể sáng chế rồi cải tiến thành công sản phẩm”, Hiếu chia sẻ.
Ngoài những ngày nghỉ, cứ sau giờ làm là Hiếu lại về nhà lao đầu vào phòng để nghiên cứu, chế tạo. “Khoảng thời gian đó mình khiến cả nhà lo lắng vô cùng. Mọi người cứ tưởng mình bị tự kỷ vì suốt ngày đóng cửa trong phòng mà chẳng giao thiệp với ai. Thật sự lúc đấy mình tự kỷ thật. Tự kỷ để tập trung nghiên cứu”, Hiếu hài hước.
Và cuối cùng, 8 cây gậy dẫn đường thông minh với nhiều tính năng hoàn hảo hơn mang tên H3N đã được tặng tận tay người khiếm thị tại TP.HCM.
Có mặt tại buổi trao tặng gậy miễn phí của nhóm, chúng tôi cảm nhận hết được tình cảm chân tình mà nhóm dành cho người khiếm thị. Một buổi lễ tặng gậy đậm chất sinh viên từ khâu chuẩn bị đến tổ chức. Thế nhưng, đằng sau đấy là những cái ôm siết chặt, những giọt nước mắt lăn dài khi buổi lễ diễn ra thành công, khi người khiếm thị vui mừng cầm trên tay thành quả bao ngày của nhóm.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, đại diện mái ấm Thiên Ân, bày tỏ: “Hôm nay tôi thấy rất vui. Niềm vui “3 trong 1”. Tôi vui vì các em trong mái ấm được tặng gậy miễn phí, vui vì từ nay các em sẽ tự sinh hoạt một cách độc lập và hơn hết tôi vui khi biết được rằng xã hội này còn có rất nhiều bạn trẻ vừa có tài vừa có tâm như thế này. Các bạn đã cho chúng tôi niềm hy vọng rất lớn vào cuộc sống”.
Gạt vội những giọt nước mắt hạnh phúc, Hiếu chia sẻ: “Mình rất mong cây gậy của nhóm sẽ được sản xuất đại trà và bất kỳ người khiếm thị nào cũng được dùng gậy miễn phí. Niềm vui ngày hôm nay sẽ là động lực để tụi mình tiếp tục cố gắng mang gậy đến với nhiều người khiếm thị hơn nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.