Từ giữa năm 2015 cho đến nay, cộng đồng startup (khởi nghiệp) Việt như “lột xác”. Sau thời gian dài hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, họ đang hoạt động theo hướng bài bản và đoàn kết hơn. Góp một tay vào thành công đó là một “chiến binh” mang tên Đỗ Hoài Nam.
Chuyện chiến binh
Câu chuyện quay về năm 2012. Đỗ Hoài Nam, một startup tên tuổi tại thung lũng Silicon Valley (Mỹ) với Công ty Emotiv System (sở hữu ứng dụng đọc não người) đang trên đỉnh vinh quang bất ngờ từ bỏ chức vụ lãnh đạo của mình. Anh lập ra SeeSpace với niềm tin vào một công nghệ hoàn toàn mới.
Nhưng một lý do rất quan trọng để SeeSpace ra đời lại liên quan đến trăn trở từ 10 năm hoạt động khởi nghiệp thăng trầm từ Úc sang Mỹ của Đỗ Hoài Nam.
Khi được mời tới phát biểu tại các hội nghị quốc tế về công nghệ, anh nhận thấy bạn bè quốc tế đều coi những thành quả mình đạt được là của Mỹ hay của Úc, mặc dù bản thân những người tạo ra các sản phẩm đó lại là người có quốc tịch Việt Nam. Điều này khiến anh chạnh lòng.
Bắt đầu xây dựng một đội ngũ kỹ sư thật giỏi tại Việt Nam khi làm với Emotiv, đến khi SeeSpace ra đời, Đỗ Hoài Nam quyết định là mình sẽ phải tạo ra công nghệ này với 100% kỹ sư người Việt. Và Đỗ Hoài Nam quyết định trở về. Anh về với Việt Nam nhiều hơn, thường xuyên hơn và có nhiều cơ hội tiếp xúc với giới công nghệ, đặc biệt là giới startup trong nước.
|
Tháng 7.2015, Startup Warriors (những chiến binh khởi nghiệp) ra đời. Đây là tổ chức mà Đỗ Hoài Nam và nhiều cá nhân tên tuổi trong làng startup xây dựng nên với những hoạt động mang tính chất xây dựng nền tảng cho cộng đồng khởi nghiệp. Anh quan niệm rằng trước đây, các hoạt động của startup Việt Nam tương đối manh mún, nhỏ lẻ, tuy có một vài điểm sáng chói như sự thành công của VNG, sự nổi tiếng của Nguyễn Hà Đông, nhưng hoàn toàn chưa có một cộng đồng có một sức mạnh tập thể. Startup Warriors là một bó đũa bao gồm rất nhiều chiếc đũa.
Lê Mai Tùng và các cộng sự đã tạo ra một dịch vụ mới mẻ vừa giúp giảm lượng xe máy lưu thông trên đường, giảm ùn tắc giao thông, vừa giúp người dùng có thêm bạn bè mới.
Tạo được môi trường tích cực nhưng một điểm rất quan trọng cần phải giải quyết cho cộng đồng startup là pháp lý. "Chiến binh" Đỗ Hoài Nam lại gõ cửa nhiều nơi, đến cả lãnh đạo cao cấp nhất. Cuối cùng, được sự giới thiệu của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, anh được tiếp kiến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đỗ Hoài Nam và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thường ngồi với nhau hàng giờ để nói chuyện về công nghệ, về khởi nghiệp, về những thế mạnh, những khó khăn cho sự phát triển của ngành. Cuối cùng, mới đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt những sửa đổi trong Nghị định hướng dẫn thi hành luật Đầu tư, tạo cú hích quan trọng cho cộng đồng khởi nghiệp.
Cầu nối với Sillicon Valley
Đi đi về về liên tục giữa Mỹ và Việt Nam, tiếp xúc nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, Đỗ Hoài Nam và Startup Warriors đang bắt đầu chiến đấu với một mục tiêu là xây dựng cầu nối với Silicon Valley. Cầu nối này sẽ dựa vào những con người ở hai bên: những người khởi nghiệp tại Việt Nam và những người thành công tại trung tâm công nghệ của thế giới. Khi có mối quan hệ mật thiết, con đường đi đến thành công của các startup Việt sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, muốn như thế, chính Việt Nam cũng phải trở thành một “hub” (trung tâm hoạt động) của Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ, cũng như Singapore phát triển bùng nổ nhờ trở thành “hub” tài chính của khu vực.
Không chỉ có chức năng dò đường mà đôi găng tay thông minh của cậu học trò Lê Ngô Duy Phong còn có thể hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính và đàm thoại như một chiếc điện thoại di động.
Thế giới đã trở nên “mở” hơn bao giờ hết với các đường ranh giới trong công nghệ gần như bị xoá nhoà. Công nghệ bây giờ không phải chỉ có Silicon Valley đứng độc lập mà trở thành một mạng lưới liên thông với nhau bởi các “hub”, với sự chi phối mạnh mẽ bởi “thủ phủ” Silicon Valley.
Với Đỗ Hoài Nam, điểm khả thi nhất để thực hiện điều này là con người. Theo anh, nếu nói về ngành công nghệ thì quả thực Việt Nam chưa có và còn ở khoảng cách rất xa so với những nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ vi mô, một nhóm nhỏ các kỹ sư giỏi của Việt Nam có khả năng không thua kém bất kỳ nhóm nào trên thế giới. Vấn đề là họ không có được sự cọ xát, có được kinh nghiệm thực tiễn và quan trọng hơn cả là cơ hội để có thể kết hợp với nhau thi đua trong một cuộc chơi tầm cỡ quốc tế.
“Khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ không phải là cách hay để 'kiếm tiền'. Trên thực tế, đây là cách dễ “mất tiền” nhất với hơn 90% các công ty khởi nghiệp sẽ chết vì hết tiền. Bạn chỉ khởi nghiệp khi có niềm tin sắt đá vào 2 việc: việc mình làm sẽ mang lại cực kỳ nhiều lợi ích cho xã hội và nếu mình mang đến đủ lợi ích cho xã hội thì xã hội sẽ luôn công bằng với mình cách này hay cách khác” - Đỗ Hoài Nam nói.
Đỗ Hoài Nam, sinh năm 1977, từng là học sinh chuyên vật lý của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Năm 1995, anh giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc và theo chương trình học dành cho những sinh viên giỏi có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo tại Đại học RMIT (Úc).
Anh từng khởi nghiệp bằng nhiều công ty và cũng từng thất bại. Đến đầu năm 2003, Nam cùng bạn bè thành lập Emotiv Systems, với sản phẩm “máy đo bộ não người”.
Năm 2010, công ty đạt doanh thu đến 10 triệu USD, có 20.000 doanh nghiệp trên thế giới trở thành khách hàng. Bộ phim Avatar nổi tiếng từng sử dụng sản phẩm này để đo cảm xúc người xem trước khi công chiếu.
Năm 2012, anh rời Emotiv System để thành lập SeeSpace với sản phẩm chính là InAir, thiết bị mà người xem có thể dùng chiếc điều khiển để bấm tìm hiểu thông tin sâu hơn ngay trên màn hình ti vi.
|
Bình luận (0)