Một tuần ngán ngẩm với Pokémon Go

14/08/2016 09:42 GMT+7

Sau một tuần chính thức được phát hành tại Việt Nam, Pokémon Go đã khiến không ít người lo ngại về hệ lụy do trò chơi này gây ra.

Cha kiếm con, vợ kiếm chồng
Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã lân la khắp các công viên để tìm hiểu. 23 giờ 30 ngày 11.8, theo quy định, tất cả khách phải rời khỏi khuôn viên công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM). Tuy nhiên vẫn có khá nhiều người trẻ lang thang ở các lối đi trong công viên. Họ vừa đi vừa chăm chú vào màn hình điện thoại, chốc chốc lại lấy tay điều khiển màn hình để bắt Pokémon. Hình ảnh tương tự xuất hiện ở công viên Lê Văn Tám, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1).
Đổ xô đi bắt... Pokémon
'Ngày trước, giới trẻ hay ra đây ngồi cà phê bệt, đàn hát, trò chuyện. Nhưng chẳng hiểu sao hai ngày cuối tuần này, họ gọi nước rồi bỏ đi. Nhìn khắp công viên, thấy đứa nào cũng cầm điện thoại rà rà, chẳng hiểu là gì'
3 giờ sáng13.8, trong khuôn viên rộng lớn của công viên Tao Đàn, vẫn rải rác xuất hiện những “tín đồ Pokémon”. Có người còn trang bị sẵn pin dự phòng để giúp cuộc “săn” Pokémon không bị ngắt quãng.
Chị Hà, người bán hàng rong ở khu vực này, cho biết: “Tụi nó chơi thâu đêm suốt sáng, bất kể ngày giờ. Lúc nào cũng thấy cầm điện thoại đi loanh quanh công viên. Công viên vắng và tối như vậy mà lại chẳng sợ bị cướp giật, công nhận liều thật”, chị Hà nói.
Vì quá say mê Pokémon Go, ở lại các công viên qua đêm chỉ để “bắt” Pokémon, nên đã dẫn đến nhiều câu chuyện tìm người thân.
Một tuần ngán ngẫm với Pokémon Go
1 giờ sáng 13.8, chị Nguyễn Thu Cúc (ở đường Thành Thái, Q.10) tất tả tìm chồng tại công viên Tao Đàn với lý do: “Mấy ngày nay anh ấy hay kêu qua đây chơi. Chả hiểu vì sao cái trò này khiến ổng mê đến thế”, vừa nói chị Cúc lại hướng mắt vào không gian tối om của công viên với hy vọng thấy được bóng dáng chồng.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Đặng Trọng Sinh (ở đường Trần Đình Xu, Q.1) đang mải miết kiếm đứa con sắp lên lớp 11. “Cách đây bốn hôm nó cũng đi bụi thế này. Khi đến nơi đã gần 2 giờ sáng, thấy nó ngồi cùng nhóm bạn trên vỉa hè đường Trương Định, đứa nào cũng ôm điện thoại cả”, anh Sinh kể.
“Ý chí kiểm soát bản thân” sẽ bị thui chột
Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã phân tích nhiều tác hại của trò Pokémon Go đối với người chơi.
Ông Hiếu cho rằng với những người chỉ chăm chăm vào việc “săn bắt” Pokémon, cứ mải mê chơi sẽ bỏ quên thực tại xung quanh, làm xao nhãng trong các hoạt động thường ngày như: học hành, công việc... Thay vì đọc sách để đầu tư cho trí tuệ thì lại dành thời gian đầu tư cho Pokémon. Đầu tư cho trí tuệ thì không lỗ, còn đầu tư cho Pokémon thì không nhận lại được gì cả. Chơi đến mức không dứt ra được, sẽ bị nô lệ cảm xúc bản thân, không tự chủ được bản thân của mình nữa, sẽ bị cuốn theo sự hấp dẫn bên ngoài. Ý chí kiểm soát bản thân sẽ bị thui chột đi.
Gây tai nạn, “mồi” ngon cho cướp giật
Nguyễn Ân (26 tuổi, Q.1, TP.HCM) cho biết từ ngày có trò Pokémon Go, mỗi ngày anh dành khoảng… 16 tiếng đồng hồ để ra công viên bắt Pokémon.
“Mấy ngày nay tôi chẳng dám chạy qua các tuyến đường xung quanh khu vực công viên Lê Văn Tám và Tao Đàn. Vì sợ những thanh niên vừa chạy xe mà cứ cắm mắt chơi Pokémon Go. Tôi bị những đứa mê Pokémon Go tông hai lần nên ám ảnh, không dám ra đường”, Anh Vũ, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, nói.
Tương tự, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến ta thán, bây giờ ra đường sợ nhất là những người chơi Pokémon Go. Vì chạy xe mà tâm trí dồn hết vào trò chơi. “Tôi mong sao cái trò này ngưng hoạt động để mọi người đỡ lo hơn”, Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, than.
Chính vì những nguy hiểm mà người chơi trò Pokémon Go gây ra, nên trong cuộc trao đổi với Thanh Niên vào chiều 12.8, thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh, Cục Cảnh sát giao thông, khuyến cáo: “Mong mọi người tuyệt đối không chơi Pokémon Go khi đang lái xe vì hành vi này là phạm luật, gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người khác”.
Bà Minh cho rằng những người nghiện trò Pokémon Go có thể vi phạm những lỗi như: điều khiển phương tiện bằng một tay, sử dụng thiết bị di động khi đang điều khiển phương tiện, đi bộ không đúng nơi quy định, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định…
Ông Trần Thanh (ở đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3) cho biết thường xuyên tập thể dục vào ban đêm trong công viên Tao Đàn, nhưng đến đêm 8.8 mới lần đầu chứng kiến vụ cướp giật điện thoại ở đây.
Được biết, vào 22 giờ 20 ngày 8.8, N.H.N.T (35 tuổi, ở Q.10) cầm điện thoại iPhone 6 Plus mải mê chơi game Pokémon Go tại khu vực vắng người trong công viên Tao Đàn thì bất ngờ bị kẻ xấu chạy bộ từ phía sau lao tới giật điện thoại rồi tẩu thoát ra đường. Nghe chị T. truy hô, bảo vệ công viên và nhiều người dân gần đó truy đuổi và bắt được Nguyễn Văn Hiếu (19 tuổi, quê Gia Lai) cùng tang vật giao cho Công an P.Bến Thành (Q.1).
Ông Thanh nói: “Thử hỏi công viên vào khoảng hơn 22 giờ thì vắng vẻ, vậy mà nhiều đứa cứ cầm điện thoại xịn đi lang thang để chơi trò chơi thì rất dễ tạo điều kiện cho kẻ xấu cướp giật. Mà dạo này giới trẻ đổ xô về đây rất đông, đứa nào cũng cầm iPad, điện thoại giá trị, thì khả năng xảy ra những vụ cướp giật tiếp theo là rất cao”.
Dời trường học về nhà để... bắt Pokémon
Vừa qua cộng đồng Google Map Maker VN (nhóm làm việc tình nguyện, không liên quan đến Google) vừa phải lên tiếng báo động về tình trạng người chơi Pokémon Go cố tình thay đổi địa điểm trên bản đồ VN tại Google Map để có lợi khi chơi trò chơi này. Nhiều địa điểm bị thay đổi. Chẳng hạn, công viên Nghĩa Đô (Hà Nội) bị một người di dời về ngay tại nhà mình để tiện bắt Pokémon. Trường ĐH Hải Phòng bị dời về TP.HCM. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bị tạo ra rất nhiều địa điểm khác vị trí thực tế. Một người chơi khác còn tạo lập cả Trường ĐH Pokémon trên Google Maps. Những địa điểm này đã được nhóm Google Map Maker VN chỉnh sửa lại đúng với thực tế.
Ông Tạ Đức Thiện, chuyên gia phụ trách an ninh ứng dụng của BKAV, cho rằng hành động này sẽ dẫn đến bản đồ VN trên Google Maps bị xáo trộn, nhiễu loạn, nhiều thông tin vị trí bị sai lệch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.