Hoang mang vì Deltacron
Đầu tháng 1, cả thế giới xôn xao, thấp thỏm về thông tin xuất hiện siêu biến thể của SARS-CoV-2, kết hợp giữa hai biến thể nguy hiểm là Delta và Omicron. Ngày 7.1, nhà virus học Cộng hòa Síp (Cyprus) Leondios Kostrikis thông báo trên truyền hình địa phương rằng nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Síp đã phát hiện nhiều mẫu giải trình tự gien có những đặc điểm của cả hai biến thể Delta và Omicron.
Nhóm của ông Kostrikis đặt tên chúng là Deltacron và đăng tải 52 mẫu giải trình tự gien lên GISAID, cơ sở dữ liệu mà các nhà khoa học toàn cầu chia sẻ thông tin về những loại virus mới. Ngày 8.1, hãng tin Bloomberg đăng tải câu chuyện và Deltacron được thế giới biết đến.
SARS-CoV-2 gây Covid-19 |
Reuters |
Tuy nhiên, cộng đồng khoa học sau đó nhanh chóng vào cuộc. Nhiều chuyên gia tuyên bố trên mạng xã hội cũng như cả trên báo chí rằng 52 mẫu giải trình tự gien này không phải là một biến thể mới và cũng không phải là kết quả của quá trình tái tổ hợp giữa hai virus mà có khả năng là do nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm.
Khoảng 72 giờ sau khi đăng tải lên GISAID, ông Kostrikis quyết định đưa các mẫu giải trình tự gien vào chế độ riêng tư và chờ điều tra thêm.
Bà Krutika Kuppalli, thành viên tổ kỹ thuật Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Đại học Y Nam Carolina (Mỹ) ngày 9.1 đăng lên Twitter: “Không có cái gọi là Deltacron. Omicron và Delta không tạo ra một siêu biến thể”.
Thực hư biến thể "lai" Omicron - Delta |
Nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm
Nhà virus học Tom Peacock thuộc khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng đế London (Anh) viết: “Các chuỗi giải trình tự gien Deltacron của Síp được nhiều hãng truyền thông lớn đăng tải có vẻ khá rõ ràng là do nhiễm bẩn”. Theo vị chuyên gia, các mẫu xét nghiệm tại Cộng hòa Síp có thể đã bị trộn lẫn với nhau do một sơ sót trong phòng thí nghiệm.
Trên chuyên mục xác minh thông tin của đài KHOU 11, tiến sĩ Amesh Adalja tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ) xác nhận “biến thể Deltacron” là thông tin sai. “Đó có vẻ là kết quả của việc nhiễm bẩn phòng thí nghiệm và không phải là một phiên bản lai của virus”.
"Biến thể Deltacron" nhiều khả năng là sơ sót trong phòng thí nghiệm |
Bloomberg |
Theo giới chuyên gia, quá trình kết hợp gien của virus Corona còn gọi là “tái tổ hợp sinh học” là điều có khả năng xảy ra, nhưng những điểm đột biến mà nhóm khoa học tại Cộng hòa Síp xác định nằm trên một phần rất dễ xảy ra lỗi trong quy trình giải trình tự gien.
Nhà virus học Jeremy Kamil tại Đại học Y tế Shreveport bang Louisiana (Mỹ) cho hay loại nhiễm bẩn này rất phổ biến, theo chuyên san Nature. Quan chức Cheryl Bennett của văn phòng GISAID tại Washington D.C cho biết có hơn 7 triệu mẫu giải trình tự gien SARS-CoV-2 được đăng tải lên cơ sở dữ liệu GISAID từ tháng 1.2020 nên việc xuất hiện một số mẫu bị lỗi không phải là điều bất ngờ.
Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi các mẫu giải trình tự gien không phải bị nhiễm bẩn, những đột biến mà nhóm của ông Kostrikis xác định là không chỉ có riêng trên Omicron mà còn có trên các biến thể khác. Thực tế, GISAID có đầy những mẫu giải trình tự gien của một biến thể nhưng có đặc điểm của các biến thể khác, theo chuyên gia Peacock của Đại học Hoàng đế London. Ông Peacock nói rằng những mẫu này được đăng tải lên thường xuyên “nhưng thường người ta không phải giải thích toàn bộ trường hợp vì không phải trường hợp nào cũng được báo chí quốc tế chú ý”.
Cảnh báo về biến thể lai
Trả lời Nature, ông Kostrikis nói đang đánh giá lại toàn bộ những đóng góp của các nhà khoa học nổi tiếng về báo cáo của ông. Ông cũng cho hay có dự định công bố nghiên cứu để được bình duyệt.
Và dù “biến thể Deltacron” có phải là thật hay không, một số nhà khoa học cảnh báo rằng sự xuất hiện của các biến thể lai này trong tương lai là điều hoàn toàn có cơ sở.
“Về nguyên tắc, một sự tái tổ hợp của các biến thể khác nhau là điều có thể xảy ra. Điều này đúng với các loại virus nói chung và đặc biệt là virus Corona. Một khi mức độ lưu hành của hai biến thể là cao, khả năng chúng kết hợp tăng cao đáng kể. Đó sẽ không phải là lần đầu tiên dạng đột biến này xảy ra”, lãnh đạo Mạng lưới Virus Toàn cầu Christian Brechot, cựu giám đốc Viện Pasteur (Pháp), nhận định.
“Delta có vẻ bắt nguồn từ Ấn Độ và Omicron có thể từ Nam Phi. Giờ ta lại nghe về Deltacron ở Síp. Rõ ràng là các chiến lược quốc gia riêng lẻ không thể hiệu quả. Điều bắt buộc là chúng ta vạch rõ một chiến lược toàn cầu dựa trên việc tiêm chủng cho người dân toàn thế giới”, ông Brechot nói và dự báo thêm rằng việc để cho các nước giàu ưu tiên tiếp cận vắc xin là cách làm sẽ thất bại.
Bình luận (0)