WHO: Đại dịch Covid-19 còn kéo dài

20/01/2022 14:44 GMT+7

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua đánh giá đại dịch chưa đến gần điểm kết thúc khi số người nhiễm vẫn đang tăng lên từng ngày và nhiều nơi thiếu vắc xin.

Virus Covid-19 đã trở thành một phần của hệ sinh thái

reuters

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros bác bỏ những ý kiến cho rằng biến thể Omicron gây bệnh nhẹ, theo AFP. “Omicron đang khiến nhiều người nhập viện và tử vong, và ngay cả khi các ca bệnh ít nặng hơn cũng làm quá tải các cơ sở y tế”, lãnh đạo WHO nói.

Tương tự, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan thừa nhận có thể sẽ không bao giờ ngăn chặn được vi rút này vì nó đã trở thành một phần của hệ sinh thái. Tuy nhiên, ông dự đoán thế giới có cơ hội chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công cộng trong năm nay, nếu giải quyết nhanh chóng tình trạng chênh lệch về vắc xin và thuốc điều trị.

Nhiễm biến thể Omicron bao lâu thì có thể lây? Triệu chứng gì?

Trong khi một số nước đã tiêm vắc xin liều 4, tỷ lệ được tiêm ít nhất một liều tại các nước thu nhập thấp chưa đến 10% dân số. Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu để cho vi rút lây lan tự do tại nhiều nơi sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện thêm biến thể mới nguy hiểm hơn. Các quan chức WHO nhấn mạnh tuy những vắc xin hiện nay có thể bớt hiệu quả trong việc ngăn biến thể Omicron lây lan, nhưng vẫn rất tốt trong việc ngăn bệnh nặng và tử vong.

Trong diễn biến liên quan, Hãng dược Pfizer (Mỹ) hôm qua thông báo 3 nghiên cứu từ phòng thí nghiệm cho thấy thuốc Covid-19 dạng viên Paxlovid có thể hiệu quả trước biến thể Omicron. Thuốc này đã được Mỹ cấp phép điều trị cho bệnh nhân nguy cơ cao, được cho là giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong đến 89%. Tuy nhiên, bệnh nhân cần uống thuốc sớm, trong vòng 5 ngày từ khi biểu hiện triệu chứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.