Các nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Sydney, Úc |
reuters |
Hãng Reuters ngày 18.1 đưa tin Úc ghi nhận ngày chết chóc nhất vì Covid-19 kể từ đầu dịch, trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục khiến tình trạng nhập viện gia tăng, dù số ca nhiễm có giảm.
Nước này ghi nhận thêm 77 ca tử vong vượt mức cao nhất trước đó là 57 ca vào ngày 13.1. “Ngày nay là một ngày rất khó khăn cho bang của chúng ta”, Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet phát biểu khi bang này ghi nhận thêm 36 ca tử vong trong ngày vì Covid-19.
Nhiều ca tử vong ở New South Wales chưa tiêm mũi tăng cường, khiến giới chức y tế bang này kêu gọi mọi người đừng chần chừ đi tiêm mũi 3.
“Với Omicron, chúng ta biết rằng mức bảo vệ thấp hơn nên cần tiêm mũi tăng cường để nâng mức bảo vệ”, theo quan chức y tế trưởng New South Wales Kerry Chant.
Úc ghi nhận thêm 73.000 ca nhiễm, nâng tổng số lên 1.876.035 ca nhiễm và 2.776 ca tử vong. Biến thể Omicron đang gây ra làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay tại Úc.
Nhằm giúp các bệnh viện công đối phó, chính quyền liên bang đã kích hoạt kế hoạch để các bệnh viện tư hỗ trợ thêm đến 57.000 điều dưỡng và hơn 100.000 nhân viên đến các vùng bị ảnh hưởng bởi Omicron trên cả nước, theo Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt.
Phát hiện gien làm tăng gấp đôi nguy cơ bị Covid-19 nặng |
Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khi phát biểu trực tuyến tại diễn đàn Davos vào ngày 17.1 đã kêu gọi thế giới phải tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả mọi người nhằm đảm bảo đại dịch kết thúc.
“Hai năm qua thể hiện một sự thật đơn giản nhưng tàn nhẫn là nếu chúng ta bỏ lại một ai đó phía sau thì có nghĩa là chúng ta đã bỏ lại tất cả phía sau. Nếu không tiêm vắc xin cho từng người, chúng ta sẽ để các biến thể mới trỗi dậy và lây lan xuyên biên giới, khiến cuộc sống hằng ngày và kinh tế bị trở ngại”, ông nêu rõ.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đối phó đại dịch với sự bình đẳng và công bằng. Ông lưu ý rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm ngoái đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm nay.
“Chúng ta chưa hề đến gần các mục tiêu đó. Tỷ lệ tiêm vắc xin tại các nước có thu nhập cao đáng xấu hổ là cao hơn 7 lần so với các nước châu Phi. Chúng ta giờ đây cần bình đẳng về vắc xin”, ông nhấn mạnh.
Theo ông, các hãng dược nên “đoàn kết cùng các nước đang phát triển bằng cách chia sẻ bản quyền, cách bào chế và công nghệ để tất cả có thể tìm đường thoát khỏi đại dịch”.
Bình luận (0)