5G: Cuộc 'chiến tranh lạnh' kiểu mới

22/12/2019 09:00 GMT+7

Không đơn thuần là cạnh tranh thương mại, những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh công nghệ di động 5G đang là “chiến tranh lạnh” kiểu mới.

Ngày 21.12, Bloomberg đưa tin các nhà lập pháp của Ý đã thúc giục chính phủ nước này xem xét cấm Huawei và một số đơn vị khác cùng của Trung Quốc cung cấp thiết bị 5G. Đây là một trong các chỉ dấu mới nhất trong cuộc đại chiến 5G đang diễn ra.

Thế trận “chọn phe”

Tuần qua, ông Henry M.Paulson Jr., cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, có bài bình luận đăng trên tờ The Washington Post nhận định: 5G là hạ tầng nền tảng để tạo nên sự thay đổi chưa từng có trong tổng thể cuộc sống cũng như trong công nghiệp và dịch vụ. Và trong cuộc đua này, nước nào chiếm ưu thế về 5G thì đạt được thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Mà ở đây, cụ thể hơn là cạnh tranh Mỹ - Trung.
Với ảnh hưởng sâu rộng, 5G chính là một trong các nội dung quan trọng được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc vào ngày 3.12 tại Anh. Khi đó, tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa các rủi ro cho mạng 5G đối với cấu trúc an ninh chung của NATO. Chủ nhân Nhà Trắng đã chỉ đích danh rủi ro đó đến từ Trung Quốc và cụ thể hơn là Tập đoàn Huawei. Sau quá trình thảo luận, thông cáo chung của NATO đã khẳng định: “NATO và các đồng minh, trong phạm vi quyền hạn của mình, cam kết đảm bảo an ninh thông tin liên lạc, bao gồm 5G, nên cần phải dựa vào các hệ thống an toàn”.
“Dựa vào hệ thống an toàn” có nghĩa là phải chọn lựa. Đó chính là sự nhấn mạnh để nhiều nước đang phải “chọn phe” trong việc chọn lựa dùng hay không dùng công nghệ 5G của Trung Quốc mà Huawei là một nhà cung cấp cốt lõi của nước này. Hiện nay, không chỉ Ý mà nhiều nước phương Tây cũng đã nghiêng về việc quyết định loại trừ thiết bị của Huawei trong việc phát triển 5G. Mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson úp mở về khả năng London sớm nói không với công nghệ 5G của Huawei. Nhiều nước khác tại châu Âu lẫn châu Á, hay Úc đều có các động thái tương tự.

Trung Quốc vẫn lệ thuộc Mỹ cùng nhiều nước khác về các công nghệ nền tảng, vật liệu bán dẫn, kỹ thuật động cơ và những ứng dụng quan trọng trong nhiều lĩnh vực như hàng không, ô tô, dược phẩm, năng lượng...

TS Scott Kennedy

Vào tháng 10, khi hội đàm tại Washington với chủ nhân Nhà Trắng, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cũng đã thảo luận sâu về phát triển mạng 5G. Nếu Mỹ có Qualcomm tiên phong trong lĩnh vực 5G đặc biệt với công nghệ cho thiết bị đầu cuối hay chip xử lý sóng 5G, thì Nokia của Phần Lan có nhiều thế mạnh về hạ tầng mạng 5G. Vì thế, việc loại bỏ Huawei đối với 5G không chỉ là việc “chọn phe” đứng về phía Mỹ, mà đối với nhiều nước châu Âu còn giúp bảo vệ các nhà cung cấp đồng hương là Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển).

Tình thế của doanh nghiệp Trung Quốc

Cùng ngày 3.12, khi Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc bên bờ Đại Tây Dương, thì tại Hawaii (Mỹ) giữa Thái Bình Dương, Tập đoàn Qualcomm cũng khai mạc sự kiện “Thượng đỉnh công nghệ” với chủ đề chính là 5G. Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Tập đoàn Qualcomm chính thức giới thiệu hai nền tảng di động Snapdragon 5G là Snapdragon 865 và Snapdragon 765 (và 765G). Đây là hai nền tảng tiên phong cho các dòng smartphone 5G.
Sự kiện còn có sự tham dự của nhiều đại diện đến từ các tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc. Tại hội nghị, đại diện của Oppo cho biết hãng này sẽ giới thiệu smartphone 5G tích hợp Snapdragon 865 ngay trong quý 1/2020. Tương tự, ông Bin Lin, Tổng giám đốc - Phó chủ tịch Tập đoàn Xiaomi, khẳng định: “Trong quý 1/2020, Xiaomi sẽ cho ra mắt mẫu Mi 10 - một trong những smartphone đầu tiên trên thế giới chạy Snapdragon 865”. Ông Sergio Buniac, Chủ tịch Motorola Mobility, cũng chia sẻ sớm tung ra các mẫu smartphone 5G tích hợp các nền tảng Snapdragon 865 và 765. Motorola Mobility là đơn vị sản xuất điện thoại di động mang thương hiệu Motorola nhưng nay thuộc Tập đoàn Lenovo của Trung Quốc.
Chính vì thế, tuy vấn đề chính trị hay cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh không được đề cập trong khuôn khổ sự kiện “Thượng đỉnh công nghệ”, nhưng tuyên bố của một số nhà sản xuất của Trung Quốc cũng phần nào thể hiện một thực tế về nền tảng công nghệ hai bên. Như trong bài phân tích ngày 13.12, TS Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao về kinh tế và kinh doanh Trung Quốc - Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ), chỉ ra: “Dù đạt được nhiều thành tựu về công nghệ, nhưng thực tế thì Trung Quốc vẫn lệ thuộc Mỹ cùng nhiều nước khác về các công nghệ nền tảng, vật liệu bán dẫn, kỹ thuật động cơ và những ứng dụng quan trọng trong nhiều lĩnh vực như hàng không, ô tô, dược phẩm, năng lượng...”.
Đây có thể là bất lợi cho Trung Quốc trong cuộc “Chiến tranh lạnh 5G” đang diễn ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.