Bị lạm dụng tình dục nơi làm việc, phụ nữ Trung Quốc chọn cách im lặng
21/04/2018 15:00 GMT+7
Một khảo sát cho thấy có đến 80% trong số trên 400 nữ nhà báo trả lời câu hỏi cho biết họ bị nam đồng nghiệp và cấp trên lạm dụng tình dục ở nơi làm việc
Tự động phát
Giữa lúc phong trào toàn cầu #MeToo kêu gọi phụ nữ bị lạm dụng tình dục lên tiếng, đa số nạn nhân ở Trung Quốc lựa chọn cách im lặng do lo lắng về sự nghiệp.
Các nhà hoạt động vì nữ quyền cho biết các nhân viên nữ thường không dám lên tiếng vì lo bị sa thải và sợ không được ai ủng hộ, theo tờ South China Morning.Trong một trường hợp cụ thể, nữ nhân viên văn phòng Trương Trần kể lại mình suýt bị sếp cưỡng bức khi cô vào phòng khách sạn của ông ta định mượn máy sấy tóc trong một chuyến du lịch của công ty. Cô Trương vùng vẫy và kịp thời bỏ chạy thoát thân.
Vụ việc xảy ra cách đây hai năm khiến cô bị trầm cảm nghiêm trọng và phải điều trị trong thời gian dài. Tuy nhiên, cô Trương không dám kể lại vụ việc này cho chồng, cha hay cảnh sát.
|
Hiện cô Trương vẫn tiếp tục làm việc trong công ty tư nhân này ở thành phố Thượng Hải. Nữ nhân viên văn phòng 26 tuổi này tin rằng nếu cô lên tiếng thì không ai trong công ty ủng hộ mình, và cũng không dám báo cảnh sát.
“Công ty thể hiện sự quan tâm đối với nhân viên, nhưng chỉ hạn chế ở mức chế độ nghỉ phép và lương bổng. Họ sẽ không đoái hoài tới những vụ lạm dụng tình dục”, cô Trương chia sẻ.
Ngoài ra, truyền thông cũng là lĩnh vực có nạn lạm dụng tình dục phụ nữ ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, theo kết quả khảo sát mới công bố. Trong số trên 400 nữ nhà báo tham gia khảo sát, hơn 80% cho biết họ bị nam đồng nghiệp và cấp trên lạm dụng tình dục ở nơi làm việc.
“Tuy nhiên, chỉ có 3,2% người tham gia khảo sát báo cáo vụ việc đến phòng nhân sự và chưa đầy 1% báo cảnh sát. Mặc dù số người tham gia khảo sát còn ít, nhưng cho thấy đa số nạn nhân không dám tố cáo hành vi đồi bại của nam đồng nghiệp hay cấp trên”, cô Hoàng Tuyết Cần, nhà hoạt động vì nữ quyền ở thành phố Quảng Châu, người khởi xướng cuộc khảo sát, nói với South China Morning Post.
“So với sinh viên đại học hay những ngành nghề khác, nhà báo dù có kiến thức, am hiểu luật pháp cũng chọn cách im lặng. Nếu tố cáo và vụ việc không được giải quyết đến cùng thì các nạn nhân sẽ không thể tiếp tục làm việc trong lĩnh vực báo chí”, nhà hoạt động vì nữ quyền Hoàng lưu ý.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, các công tố viên tỏ ra không ủng hộ nạn nhân do khó có bằng chứng và đa số thủ phạm thường là cấp trên của nạn nhân.
|
Bình luận (0)