Biểu tình bạo động nổ ra tại Mỹ

12/11/2016 07:19 GMT+7

Biểu tình chống Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục nổ ra tại Mỹ, trong khi ông này đã có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Barack Obama sau bầu cử.

Trong cuộc hội kiến đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama cam kết sẽ “hợp tác chân thành” để tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra êm đẹp. Tuy nhiên, ngoài đường phố, các cuộc biểu tình bày tỏ thất vọng và phản đối vẫn tiếp diễn và đã xuất hiện bạo động.
Liên tục xuống đường
Hôm qua, đợt biểu tình phản đối ông Trump bước sang ngày thứ hai liên tiếp, chủ yếu nhằm vào những phát biểu chính sách gây tranh cãi trước đây của ông, như trục xuất dân nhập cư trái phép, cấm người Hồi giáo trên đất Mỹ và hủy bỏ nhiều thỏa thuận thương mại tự do.
Theo Reuters, tại bờ Đông, hàng ngàn người xuống đường ở thủ đô Washington D.C, Baltimore, Philadelphia và New York, trong khi ở bờ Tây là Los Angeles, San Francisco, Oakland và Portland. Nhìn chung, hoạt động phản đối tổng thống đắc cử diễn ra trong hòa bình nhưng cũng đã xảy ra bạo lực tại một số nơi. Trang tin OregonLive dẫn lời giới chức cho biết đám đông quá khích tại Portland đập nát ít nhất 19 xe hơi và phá hủy phần bên ngoài của nhiều cửa hàng. Ở Oakland, một số người đốt pháo sáng và ném đồ vật vào cảnh sát, khiến lực lượng an ninh phải dùng hơi cay và đạn cao su để đáp trả. Sau đó, nhà chức trách tuyên bố cuộc biểu tình đã biến thành bạo động và triển khai lực lượng trấn áp mạnh tay, bắt giữ hàng chục người. Trong khi đó, giao thông trên nhiều tuyến đường tại Los Angeles bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đám đông phong tỏa các con đường. Theo Reuters, cảnh sát đã bắt ít nhất 35 người không tuân theo lệnh giải tán.

tin liên quan

Ông Trump nói biểu tình là 'không công bằng'
Tổng thống đắc cử Donald Trump gọi cuộc biểu tình phản đối ông sau khi ông đắc cử là "rất không công bằng", đồng thời cáo buộc truyền thông đã kích động việc này.

Nhiều nguồn tin cho biết, biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tuần. Hiện cảnh sát đang thắt chặt an ninh tại 2 địa điểm được dự báo sẽ “nóng bỏng” là khách sạn Trump International Hotel tại thủ đô Washington D.C và Tháp Trump ở New York. Tuy nhiên, đợt xuống đường hôm qua diễn ra với quy mô nhỏ hơn và ít căng thẳng hơn so với ngày trước đó. Theo giới quan sát, điều này chứng tỏ phong trào chống ông Trump sẽ sớm lắng dịu vì kết quả bầu cử năm nay khá rõ ràng với thế áp đảo của người chiến thắng, chứ không gây tranh cãi như các năm 2000 và 2004.
Cùng ngày, tổng thống đắc cử đã có phản ứng chính thức đầu tiên về đợt biểu tình. Viết trên trang Twitter, ông khen ngợi “sự nhiệt thành” của những người xuống đường, nhưng chỉ trích họ là “dân biểu tình chuyên nghiệp” và bị “truyền thông giật dây” để phản đối ông một cách không công bằng.

Cái bắt tay ở Nhà Trắng
Cũng trong hôm qua, giới truyền thông mô tả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Obama trong Phòng bầu dục tại Nhà Trắng diễn ra tương đối cởi mở và vui vẻ, dù 2 nhà lãnh đạo có những giây phút tỏ ra “không thoải mái”. Tờ The Washington Post dẫn lời Tổng thống đắc cử Trump cho biết cuộc gặp dự kiến chỉ khoảng từ 10 - 15 phút đã kéo dài đến 90 phút.
Ông Trump và ông Obama thảo luận tại Nhà Trắng Ảnh: Reuters
Trong đó, ông và Tổng thống Obama đã bàn thảo nhiều vấn đề cả trong nước lẫn các điểm nóng trên thế giới, cũng như các cuộc gặp sắp tới với lãnh đạo một số đồng minh và đối tác. Ông Trump khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với tổng thống sắp mãn nhiệm và còn gọi ông Obama là “một người đàn ông vô cùng xuất sắc”. Về phần mình, ông Obama phát biểu: “Tôi muốn nhấn mạnh với ngài tổng thống đắc cử rằng chúng tôi hiện muốn làm mọi thứ có thể để giúp ngài thành công, vì nếu ngài thành công, đất nước này cũng thành công”. Hai ông kết thúc cuộc gặp bằng cách bắt tay nhưng từ chối tiếp nhận câu hỏi từ báo giới.
Sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump và phu nhân cùng Phó tổng thống đắc cử Mike Pence đã gặp lãnh đạo lưỡng viện quốc hội. Tại đây, tổng thống đắc cử tuyên bố các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, an ninh biên giới và tạo công ăn việc làm sẽ là 3 ưu tiên trong nghị trình làm việc ngay sau khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20.1.2017. Ngoài ra, CNN dẫn các nguồn tin cho biết ông Trump cũng đã bắt đầu nhận được báo cáo hằng ngày dành cho tổng thống về các vấn đề an ninh.

Vai trò đối trọng Trung Quốc của Nhật Bản
Lâu nay, các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương khá tỏ ra lo ngại sau khi ông Donald Trump nhiều lần tỏ dấu hiệu có thể hạn chế chiến lược xoay trục do chính quyền ông Obama thực thi tại khu vực, cũng như giảm bảo trợ an ninh cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngày 11.11, Reuters dẫn lời một cố vấn cấp cao về an ninh của tổng thống đắc cử cho biết ông Trump quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương và kỳ vọng Nhật sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chiến lược đối trọng với Trung Quốc. Theo nguồn tin, đây sẽ là một trong những chủ đề thảo luận khi ông Trump gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại New York vào ngày 17.11. Hiện có dấu hiệu cho thấy Nhật đang cân nhắc tham gia tuần tra cùng Mỹ tại Biển Đông và giới tướng lĩnh Washington hết sức ủng hộ ý tưởng này, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.