Biểu tình, bạo lực leo thang tại Mỹ

Khánh An
Khánh An
01/06/2020 06:26 GMT+7

Làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp tại Mỹ sau vụ cảnh sát dùng vũ lực quá mức khiến một người da màu tử vong.

CNN hôm qua đưa tin ít nhất 25 thành phố tại 16 tiểu bang của Mỹ đã ban bố lệnh giới nghiêm nhằm đối phó làn sóng biểu tình lan rộng kèm theo nạn cướp phá gây bất ổn nghiêm trọng tại nhiều nơi, sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hôm 25.5.

Bạo lực lan rộng

Cảnh sát trưởng thành phố Indianapolis (bang Indiana) Randal Taylor cho hay ít nhất 3 người bị bắn và 1 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình tối 30.5 (giờ địa phương). Biểu tình tại Indianapolis diễn ra trong 2 ngày liên tiếp và trở nên bạo lực, nguy hiểm hơn khi nhiều tòa nhà bị phá hoại. Ít nhất một cơ sở kinh doanh bị cháy và cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán người biểu tình.

Biểu tình, bạo động lan ra nhiều thành phố Mỹ sau cái chết của người da màu

Tại Jacksonville (bang Florida), một cảnh sát nhập viện sau khi “bị đâm hoặc chém vào cổ”, trong khi nhiều cảnh sát bị người biểu tình ném gạch đá, theo Cảnh sát trưởng Mike Williams. Ông Williams cho biết nhiều người bị bắt nhưng không cung cấp con số cụ thể. Cũng tại Florida, cảnh sát thành phố Tampa bắt giữ nhiều người biểu tình tham gia cướp phá, ném đá vào cảnh sát. Tại New York, Thị trưởng Bill de Blasio cam kết sẽ điều tra sau khi xuất hiện đoạn phim một xe cảnh sát lao vào nhóm người biểu tình đứng cạnh rào chắn do họ lập trên đường nhưng chưa rõ thông tin thương vong.
Theo The Guardian, bạo lực lan khắp nước Mỹ từ bờ đông sang bờ tây. Gần 1.400 người biểu tình tại 17 thành phố trên cả nước đã bị tạm giữ kể từ ngày 28.5.
Biểu tình, bạo lực leo thang tại Mỹ1

Cảnh cướp bóc tại một trung tâm mua sắm ở Los Angeles

Ảnh: AFP

Quân đội sẵn sàng

Trong động thái hiếm thấy, Bộ Quốc phòng cho lực lượng quân cảnh sẵn sàng đến Minneapolis (bang Minnesota), tâm điểm của biểu tình và là nơi ông Floyd tử vong vì bị cảnh sát dùng vũ lực quá mức sau khi dùng tiền giả mua hàng. Viên cảnh sát Derek Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ 3 cùng tội ngộ sát, còn 3 cảnh sát khác đang bị điều tra nhưng không thể xoa dịu cơn giận dữ. Thống đốc Minnesota Tim Walz cho biết ông chưa đề nghị quân cảnh hỗ trợ nhưng đã điều động số lượng vệ binh quốc gia nhiều nhất kể từ Thế chiến 2. Hàng loạt tiểu bang khác như Texas, Colorado, Utah, Minnesota, Georgia, Ohio, Wisconsin và Kentucky cũng đã triển khai vệ binh quốc gia nhằm duy trì trật tự.
Biểu tình, bạo lực leo thang tại Mỹ2

Một người biểu tình bị khống chế tại thành phố Atlanta, bang Georgia

Ảnh: AFP

Lệnh điều động vệ binh diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump yêu cầu các địa phương phải có biện pháp “cứng rắn hơn”, nếu không chính quyền liên bang sẽ vào cuộc và có khả năng sẽ điều động quân đội. Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng viên sáng giá đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống, hôm qua cho rằng sự phản đối hành động thô bạo như thế là đúng và cần thiết. “Đó hoàn toàn là phản ứng của người Mỹ. Nhưng việc đốt phá tại các cộng đồng và hành động hủy hoại không cần thiết thì không. Bạo lực đe dọa tính mạng thì không. Bạo lực nhằm vào các cơ sở kinh doanh phục vụ cộng đồng thì không”, ông Biden nhấn mạnh.
Khủng hoảng kép
Làn sóng biểu tình rầm rộ tại nhiều thành phố ở Mỹ khiến giới chuyên gia y tế lo ngại các đám đông tụ tập sẽ dẫn đến số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. AP dẫn lời Thống đốc bang Minnesota Tim Walz cho biết có quá nhiều người biểu tình không giữ khoảng cách xã hội hay đeo khẩu trang. Trong khi đó, một số người đeo khẩu trang chỉ để tránh bị nhận diện khi tham gia biểu tình. Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey cho rằng người dân đang đối diện với khủng hoảng kép từ tình trạng bạo lực và đại dịch Covid-19. Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca mắc Covid-19 trên thế giới hôm qua vượt mốc 6 triệu, trong đó Mỹ đứng đầu với số ca nhiễm chiếm gần 30%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.