3 trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Phát biểu trong khuôn khổ chương trình của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, trụ sở tại Anh) ngày 21.2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper nhấn mạnh 3 trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là: sẵn sàng chiến đấu, tăng cường quan hệ đối tác, xúc tiến khu vực liên kết với nhau.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, tăng cường năng lực của Không quân, Hải quân, ưu tiên đầu tư phát triển những hệ thống vũ khí với độ chính xác cao. Bên cạnh đó, Mỹ áp dụng chiến thuật “khó dự đoán” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi tăng cường sự hiện diện và triển khai bất ngờ các máy bay ném bom để đối thủ khó dự đoán", ông Esper nói. Bộ trưởng Esper cho biết Lầu Năm Góc đang thảo luận với quốc hội Mỹ về vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng đẩy mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Ông Esper nói: "Chúng tôi đã nêu rõ lập trường của Mỹ là bác bỏ yêu sách chủ quyền của
Trung Quốc ở Biển Đông. Chính sách này nhấn mạnh một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả quốc gia chung sống trong thịnh vượng và hòa bình. Chúng tôi nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có quyền biến các vùng biển quốc tế thành vùng đặc quyền kinh tế riêng của nước này".
Theo ông Esper, Trung Quốc liên tục không tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, liên tục có những hành động phi pháp, bắt nạt cùng những cuộc tập trận trận ở Biển Đông vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Bộ trưởng Esper lên án hoạt động gây hấn của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông, bao gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam và ngăn chặn các nước láng giềng ở Đông Nam Á thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi. Bên cạnh đó, ông Esper lên án những cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc giả lập chiếm Đài Loan là hành động gây bất ổn và xem thường các cam kết quốc tế của Bắc Kinh. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động "hung hăng" ở vùng biển quanh những đảo do Nhật Bản kiểm soát tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Esper nhấn mạnh: “Mỹ bác bỏ tất cả tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác cùng đồng minh trong khu vực”. Bộ trưởng Esper cũng chỉ trích Trung Quốc nỗ lực mở rộng sức ảnh hưởng và sự hiện diện trong khu vực thông qua chính sách bắt nạt và “bẫy nợ” các quốc gia khác.
Mỹ muốn tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á
“Các động thái của chúng tôi ở Biển Đông phản ánh chính sách quốc phòng năm 2019. Chúng tôi đã tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông nhiều nhất trong lịch sử 40 năm qua”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lưu ý.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông đầu tháng 7. Cụ thể, các nhóm tấn công tàu sân bay phối hợp tiến hành những cuộc tập trận ở Biển Đông lần đầu tiên kể từ năm 2012. Đây là một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng chúng ta sẽ hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, theo ông Esper.
Tuy nhiên, ông Esper nhấn mạnh Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc và bày tỏ kỳ vọng sẽ đến thăm Trung Quốc để thảo luận về tăng cường hợp tác quốc phòng.
Nhắc đến định hướng sắp tới trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Esper cho hay Mỹ sẽ tăng cường hợp tác an ninh và tiến hành những cuộc tập trận đa phương với các đối tác, đồng minh nhằm đảm bảo một trật tự theo luật quốc tế trong khu vực và bảo vệ chủ quyền của các quốc gia ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận đa phương như RIMPAC. Tôi không hiểu tại sao chính quyền Trung Quốc đưa ra tuyên bố phản đối sự hiện diện của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép và sẽ không bị bất kỳ quốc gia nào ngăn chặn”, ông Esper nói.
“Khoảng 80% hàng hóa
thế giới được vận chuyển thông qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhất là Biển Đông. Do đó, chúng tôi phải đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Chúng tôi đồng thời muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để hỗ trợ họ duy trì và bảo vệ vùng biển của riêng mình. Chúng tôi muốn đảm bảo các quốc gia tôn trọng chủ quyền của nhau và tuân thủ luật pháp cũng như các quy tắc quốc tế”, ông Esper trả lời câu hỏi từ phóng viên.
Bộ trưởng Esper nhắc tới Việt Nam
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã nhắc đến chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam hồi tháng 3 như là một trong những ví dụ của việc Bộ Quốc phòng Mỹ tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác an ninh trong khu vực.
Mặt khác, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh đến nỗ lực của Mỹ trong việc chuẩn bị ứng phó với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như đại dịch
Covid-19. Theo Bộ trưởng Esper, Mỹ đã cam kết hỗ trợ hơn 80 triệu USD cho các nước ASEAN trong việc chống dịch Covid-19 và nhận được sự hồi đáp tốt đẹp.
Trong đó, Bộ trưởng Esper nhắc đến việc một doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ cho Mỹ 5 triệu thiết bị bảo hộ y tế cá nhân. Bộ trưởng Esper cho rằng những hành động này chứng tỏ sự có qua có lại trong mối quan hệ giữa Mỹ và các đối tác quốc phòng trong khu vực.
Mỹ sẽ tái bố trí lực lượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Cuối chương trình, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhắc đến việc quân đội Mỹ sẽ tái bố trí lực lượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối phó Trung Quốc.
Trước đó vào ngày 17.7, Lầu Năm Góc đã công bố báo cáo: “Thực thi Chiến lược Quốc phòng: Thành tựu năm đầu tiên”. Trong đó, ông Esper cho biết Mỹ sẽ xem xét tái bố trí lực lượng trong Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (USINDOPACOM). Theo đó, Mỹ sẽ “phân bổ lại, tái chỉ định và bố trí lại lực lượng theo Chiến lược Quốc phòng”.
Lầu Năm Góc được cho là đã đệ trình báo cáo lên Nhà Trắng hồi tháng 3 về việc tái bố trí quân đội Mỹ đóng quân ở nước ngoài, tờ The Wall Street Journal gần đây dẫn lời các quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ. Trong các tài liệu chiến lược an ninh và quốc phòng được công bố hồi 2017 và tháng 1.2019, Mỹ ưu tiên mục tiêu kiềm chế Trung Quốc và đặt trọng tâm vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thực hiện mục tiêu này.
Trước đó, Bộ trưởng Esper đã gọi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu nhưng cần có sự ủng hộ của quốc hội để tăng chi tiêu quốc phòng, đẩy mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong tháng 7, quốc hội Mỹ thảo luận về dự luật chi tiêu quốc phòng. Hiện cả Hạ viện và Thượng viện hiện đều nhất trí cần đặt ưu tiên vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách quốc phòng hàng năm và tăng chi tiêu quốc phòng nhằm răn đe Trung Quốc.
Chuyên san Nikkei Asian Review hôm 5.7 phản ánh xu hướng quân đội Mỹ sẽ tổ chức lại lực lượng binh sĩ trên toàn cầu, điều thêm hàng ngàn lính đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cụ thể là ở đảo Guam, bang Hawaii, bang Alaska, Nhật Bản và Úc. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ sẽ giảm số lượng binh sĩ đóng quân ở Đức từ 34.500 lính xuống còn 25.000 lính. Khoảng 9.500 binh sĩ Mỹ rời khỏi Đức sẽ được điều động đến những nơi khác ở châu Âu, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc trở về Mỹ.
“Để đối phó hai đối thủ Trung Quốc và Nga, quân đội Mỹ sẽ triển khai các lực lượng ở nước ngoài theo hướng tiến bộ và viễn chinh hơn so với những năm gần đây”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien nhấn mạnh trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal cuối tháng 6. Ông O'Brien và giới chuyên gia cho biết quân đội Mỹ có xu hướng tái bố trí lực lượng trên toàn cầu để tập trung đối phó Trung Quốc bao gồm: dịch chuyển lực lượng từ châu Âu, Trung Đông sang Indo - Pacific và chuyển hướng từ chiến đấu trên bộ sang khái niệm Air - Sea Battle (Tác chiến trên không - trên biển hay Tác chiến không - hải).
Mỹ công bố khái niệm Tác chiến không - hải hồi năm 2010, trong đó bao gồm chiến thuật dùng máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực” (A2/AD) của Trung Quốc. Theo khái niệm này, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ với khả năng đổ bộ cùng sức mạnh không quân lẫn hải quân là yếu tố quyết định trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển ở Indo - Pacific.
Tiến sĩ Lynn Kuok, một chuyên gia về an ninh , Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trông đợi ông Esper sẽ trình bày về cách ứng phó của Bộ quốc phòng Mỹ đối với các thách thức lớn từ đại dịch
Covid-19 để “biến nguy thành cơ”. Phát biểu của ông Esper được thực hiện một tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông, đánh dấu lần đầu tiên Washington bác bỏ các yêu sách này một cách cụ thể và chính thức. Theo nhận định của Tiến sĩ Kuok, bài phát biểu của Bộ trưởng Esper có thể là “phần thứ hai trong cú đấm hai phần” của Mỹ liên quan đến Biển Đông.
Rạng sáng 14.7 (theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tuyên bố “Lập trường của Mỹ về các yêu sách biển tại Biển Đông”. Cụ thể, trong tuyên bố được đưa lên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt của nước này để kiểm soát các nguồn tài nguyên là hoàn toàn phi pháp. “Bắc Kinh sử dụng sự hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của những quốc gia Đông Nam Á nằm ven bờ Biển Đông, bắt nạt họ trong vấn đề tài nguyên ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng “chân lý thuộc về kẻ mạnh””, tuyên bố viết.
Cũng trong tuyên bố trên, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “CHND Trung Hoa không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố yêu sách này vào năm 2009”.
Ông Pompeo nhắc lại rằng phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế cũng đã bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh Mỹ từng tuyên bố phán quyết đó là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc lẫn Philippines.
“Do Bắc Kinh không thể đưa ra yêu sách biển hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của CHND Trung Hoa đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà CHND Trung Hoa đưa ra yêu sách tại quần đảo Trường Sa. Theo đó, Mỹ bác bỏ bất kỳ yêu sách biển của CHND Trung Hoa đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam)”, ông Pompeo nhấn mạnh trong tuyên bố.
Trong phần cuối của tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh ứng xử Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình… Chúng tôi ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất cứ đòi hỏi nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc ở khu vực rộng lớn hơn”.
|
Bình luận (0)