'Bức tường phụ nữ' dài 620 km ở Ấn Độ

03/01/2019 09:00 GMT+7

Khoảng 3 triệu phụ nữ Ấn Độ xếp hàng tạo thành “bức tường” dài 620 km để thể hiện quan điểm trong tình hình căng thẳng dâng cao ở bang miền Nam Kerala.

Suốt 3 tháng qua, bang miền Nam Kerala của Ấn Độ trở thành tâm điểm căng thẳng liên quan đến quy định đã kéo dài hàng trăm năm cấm nữ giới từ 10 - 50 tuổi bước vào đền Sabarimala. Đây là một trong những ngôi đền thiêng liêng nhất của đạo Hindu, thờ vị thần Ayyappa tượng trưng cho sự phát triển, và có hàng triệu người đến viếng mỗi năm. Tuy nhiên, thần Ayyappa được mô tả là một nam thần độc thân và chay tịnh nên từ xưa đến nay, nữ giới trong độ tuổi có thể có kinh nguyệt không được phép vào đền “để tránh gây ô uế”, theo tờ The Times of India.
[VIDEO] Vì 2 phụ nữ bước vào đền thờ Hindu, biểu tình nổ ra ở Ấn Độ
Tuy nhiên, trong thời gian qua, chính quyền bang Kerala do Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxist (CPI-M) lãnh đạo cùng các nhóm đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ liên tục vận động bãi bỏ lệnh cấm và hồi tháng 9.2018, Tòa án tối cao Ấn Độ ra phán quyết khẳng định tất cả mọi người đều có quyền viếng đền Sabarimala. Từ đó đến nay, một số phụ nữ đã cố vào đền nhưng liên tục bị hàng ngàn người lập thành hàng rào ngăn cản, dẫn đến các cuộc đối đầu căng thẳng. Vì thế, để khẳng định quyền lợi cũng như kêu gọi bình đẳng giới, khoảng 3 triệu phụ nữ đủ độ tuổi và từ mọi giai tầng ở Ấn đã cùng nhau tập hợp về Kerala để nắm tay tạo thành hàng người dài tới 620 km. Chính quyền Kerala đã triển khai hàng ngàn cảnh sát để bảo vệ “bức tường” và nhiều lãnh đạo bang cũng có mặt để khích lệ phụ nữ. Theo tạp chí Time ngày 2.1, Tổ chức Guinness đang tiến hành xác minh để công nhận kỷ lục về hàng người không gián đoạn dài nhất thế giới.
Hai phụ nữ viếng đền Sabarimala rạng sáng 2.1 Ảnh: Reuters
Dường như được tiếp thêm sức mạnh, vào rạng sáng qua, bà Bindu và bà Kanaka Durga đã trở thành 2 phụ nữ đầu tiên đặt chân vào đền Sabarimala trong sự bảo vệ của khoảng 100 cảnh sát. Theo Hãng thông tấn ANI (Ấn Độ), bà Bindu, 42 tuổi, là giảng viên luật tại Đại học Kannur, còn bà Kanaka Durga, 44 tuổi, là nhân viên Cục Vật tư Dân sự Kerala. Hình ảnh do chính quyền công bố cho thấy cả hai mặc trang phục đen trùm đầu tiến vào đền vào rạng sáng. “Chúng tôi được cảnh sát bảo vệ để đi bộ 2 tiếng đồng hồ trong màn đêm và vào đền làm lễ lúc 3 giờ 30 phút”, bà Bindu cho hay. Các tu sĩ trong đền không có hành động ngăn cản nào nhưng sau khi 2 phụ nữ rời đi, họ đã thông báo đóng cửa đền trong vòng vài giờ để “tẩy uế”.
Diễn biến này được các nhóm nữ quyền xem như dấu mốc lịch sử về bình đẳng; còn Thủ hiến Kerala, ông Pinarayi Vijayan, khẳng định chính quyền sẽ bảo vệ mọi phụ nữ muốn viếng đền. Tuy nhiên, bạo lực đã bùng phát trong ngày 2.1 khi các nhóm tự nhận “bảo vệ truyền thống Hindu” tổ chức biểu tình bạo động tại nhiều địa phương ở Kerala, đặc biệt là thủ phủ Thiruvananthapuram. Đám đông chặn nhiều tuyến đường và ném đá vào cảnh sát trong khi lực lượng an ninh đáp trả bằng vòi rồng và hơi cay, đồng thời bắt giữ nhiều người, theo The Times of India. Hiện đã xuất hiện lời kêu gọi đình công trên toàn bang vào hôm nay 3.1 để phản đối việc 2 phụ nữ vào đền, trong khi chính quyền bang triển khai lực lượng bảo vệ gia đình bà Bindu và bà Kanaka Durga.
Bên cạnh đó, cả hai đảng chính trị lớn nhất Ấn Độ là đảng cầm quyền BJP và đảng Quốc đại đều lên tiếng kêu gọi “biểu tình ôn hòa để bảo vệ truyền thống”. Bản thân Thủ tướng Narendra Modi thì cho rằng vấn đề ở đây là về tín ngưỡng và truyền thống chứ không phải bình đẳng giới vì cũng có một số ngôi đền Hindu cấm nam giới đặt chân vào, theo ANI.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.