Bước ngoặt lớn cho 'liên minh kim cương' chống Trung Quốc

21/02/2021 06:00 GMT+7

Chỉ một ngày sau cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng thuộc “ bộ tứ kim cương ” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kế hoạch về một bộ tứ khác xuyên Đại Tây Dương cũng được định hình để ứng phó Trung Quốc .

Ngày 18.2 vừa qua, các ngoại trưởng của “bộ tứ an ninh” hay còn gọi là “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ vừa có cuộc họp trực tuyến. Cuộc họp do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì.
Thời gian qua, bộ tứ là một cơ chế hợp tác giữa 4 nước về các vấn đề chung của thế giới mà 4 nước cùng quan tâm, đặc biệt là đối với các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc.

“Bộ tứ kim cương” phối hợp chặt chẽ hơn

Trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) đánh giá: “Việc “bộ tứ kim cương” nhóm họp trực tuyến lần này cho thấy sự cấp thiết cần thảo luận một số vấn đề nổi lên ở khu vực cũng như nhấn mạnh sự phối hợp của nhóm này. Cuộc họp chỉ được đề xuất vào đầu tháng 2, như vậy đây không phải là sự kiện được sắp xếp từ sớm bởi chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden”.

NATO cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 19.2 kêu gọi các thành viên và đối tác thân thiết thắt chặt quan hệ vì sự trỗi dậy của Trung Quốc “gây hậu quả” đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc là vấn đề hiện hữu đối với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương với những hậu quả tiềm tàng đối với an ninh, thịnh vượng và lối sống của chúng ta”, ông Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich (Đức), được tổ chức trực tuyến ngày 19.2, theo AFP. “Đó là lý do tại sao NATO nên làm sâu sắc hơn các mối quan hệ của chúng ta với các đối tác thân cận như Úc và Nhật Bản, đồng thời thiết lập những đối tác mới trên toàn cầu”, ông Stoltenberg nói thêm.
Theo Reuters, sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đang định hình lại các ưu tiên của NATO, vốn thường tập trung vào mối đe dọa từ Nga. NATO hiện tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước phương Tây rằng Trung Quốc không còn là “đối tác thương mại thân thiện”.
Huỳnh Thiềm
Theo GS Sato, đầu tháng 10.2020, cuộc họp của ngoại trưởng các nước thuộc “bộ tứ kim cương” tại Tokyo (Nhật Bản) diễn ra như một cuộc độc thoại của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo nhằm chỉ trích Trung Quốc, khiến 3 nước còn lại có phần rơi vào tình thế khó xử. Vào thời điểm đó, lo ngại khi ông Biden trở thành tổng thống Mỹ thì chính sách của Washington đối với Bắc Kinh có thể thay đổi, nên các đối tác còn lại trong “bộ tứ” chưa vội thể hiện sự ủng hộ đối với các chỉ trích mà ông Pompeo đưa ra nhằm vào Trung Quốc.
Ông Sato phân tích thêm: “Tại cuộc họp ngày 18.2 vừa qua, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ mang tính ôn hòa. Điều đó có lẽ nhằm tạo điều kiện cho Bắc Kinh tìm kiếm sự hòa giải với Washington. Tuy nhiên, tuyên bố từ phía Nhật về cuộc họp cho thấy rằng cuộc họp đã thảo luận về tình hình Myanmar và luật hải cảnh mới của Trung Quốc - vốn cho phép hải cảnh nước này nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền”.
Thực tế, sau cuộc họp trên, Washington cũng đã chính thức lên tiếng chỉ trích luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Cụ thể, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19.2 (theo giờ địa phương) ở Washington, khẳng định nước này “quan ngại về ngôn từ trong luật mới vốn rõ ràng ẩn chứa rủi ro tiềm tàng là lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để củng cố yêu sách của Trung Quốc, các tranh chấp biển và lãnh thổ đang diễn ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.
“Cuộc họp mới nhất đã cho thấy “bộ tứ” có sự phối hợp chặt chẽ hơn và sự sẵn sàng từ chính quyền Tổng thống Biden đối với việc chia sẻ các mối quan tâm của đồng minh”, GS Sato đánh giá về các diễn biến xoay quanh cuộc họp trực tuyến ngày 18.2.

Phối hợp cùng nhiều bên

Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét: Cuộc họp mới nhất của “bộ tứ” nhằm mục đích xây dựng động lực đã đạt được sau hội nghị hồi tháng 10.2020. Cuộc họp ngày 18.2 cũng cho thấy “bộ tứ” vẫn có thể phát triển ngay cả khi ông Shinzo Abe không còn lãnh đạo chính phủ Nhật và ông Donald Trump không còn đảm nhiệm vị trí tổng thống Mỹ. Lâu nay, Mỹ dưới thời ông Trump và Nhật dưới thời ông Abe được xem như 2 thành viên tiên phong xây dựng “bộ tứ kim cương”.
“Qua đó, chúng ta có thể hy vọng 4 nước này sẽ tiếp tục phát triển và tạo nền móng xây dựng các “bộ tứ mở rộng” kết hợp cùng một số bên khác để giải quyết các thách thức ở Indo-Pacific”, ông Nagy dự báo và đánh giá: “Trong tương lai, mức độ hợp tác của “bộ tứ” sẽ dựa trên thực tế hành vi của Trung Quốc. Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, các hành vi gây hấn và cưỡng ép của Bắc Kinh đã khiến cho các thành viên của “bộ tứ” tăng cường hợp tác với nhau hơn. Khi Trung Quốc tiếp tục có các hành vi gây rối, những hợp tác quốc tế thông qua các “bộ tứ mở rộng” sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa”.

Kết nối xuyên Đại Tây dương

Thực tế, sự phối hợp thông qua các “bộ tứ mở rộng” đang được hứa hẹn không chỉ giới hạn ở Indo-Pacific.
Ngày 19.2, website của chính phủ Anh đã đăng tải nội dung mà Thủ tướng nước này Boris Johnson phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra trực tuyến ngày 19.2. Trong bài phát biểu, liên quan đến các thách thức an ninh, ông Johnson đề cập chuyện Anh sẽ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth năm nay thực hiện hải trình dài 20.000 hải lý đến Ấn Độ Dương. Gần đây, kế hoạch này đã khiến Trung Quốc chỉ trích khi hải trình được cho là có đến Biển Đông và đóng vai trò như một biện pháp thách thức tuyên bố chủ quyền do Bắc Kinh đưa ra tại vùng biển này.
Theo Thủ tướng Johnson, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35, sẽ có sự phối hợp với cả tàu chiến Mỹ nhằm nhấn mạnh khả năng phối hợp tác chiến giữa hai bên. Không những vậy, ông Johnson còn khẳng định Anh đang làm việc với Mỹ, Pháp và Đức như một bộ tứ xuyên Đại Tây Dương để giải quyết các vấn đề cấp bách.
Gần đây, Anh không chỉ dự kiến triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông, mà còn muốn tham gia “tứ giác an ninh”. Bên cạnh đó, Anh, Pháp và Đức đã liên tục có các hành động nhằm phản ứng các hành vi đáng quan ngại của Trung Quốc ở Indo-Pacific nói chung, Biển Đông nói riêng.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tiết lộ một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này vừa có chuyến hải hành từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Trong đó, chiếc tàu ngầm đã đi đến Biển Đông để thể hiện “khả năng phối hợp xa bờ và lâu dài” với các đối tác chiến lược như Mỹ, Úc và Nhật. Chuyến hải hành còn được Bộ trưởng Florence Parly nhấn mạnh như một cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế.
Ngày 19.2, tờ South China Morning Post đưa tin 2 chiến hạm của Pháp là tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu hộ tống Surcouf vừa rời cảng nhà vào ngày 18.2 để đến Thái Bình Dương trong sứ mệnh kéo dài 3 tháng. Dự kiến, trong sứ mệnh lần này, 2 chiến hạm sẽ hiện diện ở Biển Đông đến 2 lần và sẽ có tập trận chung cùng Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5.
Hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho hay nước này muốn gửi chiến hạm đến Indo-Pacific để tập trận cùng hải quân Úc - một thành viên của “bộ tứ kim cương”. Cũng trong năm 2020, Pháp cùng với Anh và Đức đã gửi công hàm lên LHQ để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vì thế, những diễn biến đang hứa hẹn phối hợp hình thành một “liên minh kim cương” với mạng lưới trải rộng từ Indo-Pacific cho đến xuyên Đại Tây Dương nhằm chống lại các hành vi gây quan ngại của Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.