Các tỉ phú Trung Quốc 'ngã ngựa': Từ người giàu nhất đến hơn 10 năm lao tù

Văn Khoa
Văn Khoa
08/01/2021 14:00 GMT+7

Từ một người nhặt rác, ông Hoàng Quang Dụ vươn lên đứng đầu danh sách người giàu Trung Quốc 3 lần trước khi bị bắt và xử tù 14 năm cho một số tội danh.

Giữa năm 2020, ông Hoàng Quang Dụ, nhà sáng lập và là cựu chủ tịch công ty bán lẻ hàng điện máy Gome, được phóng thích nhưng còn bị quản chế sau khi ở tù hơn 10 năm, theo tờ South China Morning Post.
Ông Hoàng bị bắt vào năm 2008 vì bị tình nghi phạm các “tội về kinh tế” và bị kết án về tội giao dịch nội gián, đưa hối lộ và chuyển 800 triệu nhân dân tệ (123 triệu USD) tới các ngân hàng tư nhân ngầm vào năm 2007. Số tiền này được chuyển thành tiền Hồng Kông (HKD) và được dùng để trả các khoản nợ cờ bạc. Ông Hoàng (52 tuổi) bị tuyên xử 14 năm, kéo dài đến tháng 11.2022, nhưng thời gian ngồi tù của ông được giảm bớt 22 tháng do có hành vi tốt và thời gian ông bị quản chế sẽ kết thúc vào ngày 16.2.2021.

Từ nhặt rác trở thành tỉ phú

Ông Hoàng chào đời vào năm 1969 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Đông. Ông từng cùng 3 anh em nhặt rác để kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Vào lúc 16 tuổi, Hoàng bỏ học theo anh trai Hoàng Tuấn Khâm đến Khu tự trị Nội Mông Cổ, nơi anh trai ông sinh sống bằng cách tân trang hàng điện máy cũ, theo bài viết được đăng trên trang tin Supchina.com. Tuy nhiên, sau khi Hoàng Tuấn Khâm ngồi tù một thời gian ngắn do bán hàng giả, hai anh em ông mang số tiền dành dụm được 4.000 nhân dân tệ đến Bắc Kinh để tìm cuộc sống mới.
Sau khi đến Bắc Kinh, hai anh em nhà họ Hoàng bắt đầu bán lậu quần áo trên phố. Tuy nhiên, sau vài tháng thua lỗ, họ đổi chiến thuật làm ăn. Họ chào mời hoa hồng đối với các nhân viên của một cửa hàng may mặc nhà nước nếu họ đồng ý lén bán quần áo của anh em nhà họ Hoàng. Trong vòng chưa đầy một năm, chiêu làm ăn này của anh em ông Hoàng có hiệu quả, giúp họ có đủ tiền để mở cửa hàng chính thức và công ty hàng điện máy GOME ra đời.

Một cửa hàng của công ty điện máy GOME ở Trung Quốc

Chụp màn hình Tellerreport.com

Sau cuộc truy quét năm 1989 của chính quyền về nạn trốn thuế và buôn lậu khiến ông Hoàng Quang Dụ phải tháo chạy khỏi Bắc Kinh và ông Hoàng Tuấn Khâm ngồi tù lần 2, hai anh em nhà họ Hoàng quyết định đến lúc tìm nguồn thu nhập hợp pháp. Thế là là họ bắt đầu mua sản phẩm trực tiếp từ các nhà sản xuất, cho phép họ bán hàng với giá thấp hơn nhiều so với giá của những đối thủ lấy hàng qua trung gian hoặc bán hàng ký gửi. Nhờ bán hàng giá thấp và có nhiều mặt hàng để chọn lựa, GOME ngày càng có nhiều khách và phát triển mạnh.
Tuy nhiên, đến năm 1992, khi anh hai em có bất đồng về chiến lược kinh doanh, Hoàng Tuấn Khâm ra đi và nắm giữ 12 cửa hàng của GOME. Trong khi đó, Hoàng Quang Dụ thì lấy chiếc xe hơi, khoản tiền mặt còn lại và giữ quyền khai thác thương hiệu GOME.
Đến năm 2004, GOME có tới 227 cửa hàng khắp Trung Quốc. Cùng năm, ông Hoàng Quang Dụ đã đưa GOME niêm yết cửa sau trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và nhờ đó, giá trị của công ty tăng từ 800 triệu nhân dân tệ lên 8 tỉ nhân dân tệ.
Tài sản cá nhân của ông Hoàng cũng nhanh chóng tăng vọt lên 10,5 tỉ nhân dân tệ (1,5 tỉ USD). Đến năm 2005, tạp chí ForbesTime đều bình chọn ông Hoàng là người giàu nhất ở Trung Quốc, với tài sản cá nhân ước tính lên 1,7 tỉ USD, khi ông mới 36 tuổi. Tỉ phú Hoàng cũng đã đứng đầu danh sách người giàu Trung Quốc của tạp chí Hồ Nhuận (Trung Quốc) trong năm 2004 và 2006. Đến năm 2008, ông tiếp tục đứng đầu danh sách này, với tài sản ròng ước tính 43 tỉ nhân dân tệ (khoảng 6,3 tỉ USD), theo Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN).

Bản án tù kỷ lục

Khi khối tài sản tăng lên đỉnh điểm không bao lâu thì ông Hoàng gặp biến cố. Vào tháng 11.2008, ông Hoàng và vợ là bà Đỗ Quyên bị bắt với cáo buộc phạm các tội liên quan tài chính. Bà Đỗ được thả sau khi đóng tiền bảo lãnh, nhưng ông Hoàng vẫn bị giam và bị buộc từ chức chủ tịch GOME.
Đến năm 2010, ông bị kết án phạm tội đưa hối lộ, giao dịch nội gián và “làm ăn phi pháp”, bị tuyên xử 14 năm tù giam và đóng phạt tới 800 triệu nhân dân tệ. Đây là mức án tù và mức phạt tiền cao kỷ lục đối với tội phạm liên quan tài chính ở Trung Quốc, theo Supchina.com.

Ông Hoàng Quang Dụ trở thành người giàu nhất Trung Quốc khi mới 36 tuổi

Chụp màn hình Tellerreport.com

Do phiên tòa được xét xử kín, không ai biết rõ những việc “làm ăn phi pháp” của ông Hoàng là gì. Tuy nhiên, ông có thừa nhận đã chuyển đổi trái phép khoảng 800 triệu HKD (103 triệu USD), đưa hối lộ 4,56 triệu nhân dân tệ cho 5 quan chức Trung Quốc trong năm 2006-2008, theo tờ The Economist.
Sau khi ông Hoàng bị bắt, bà Đỗ hứa với chồng: “Khi anh trở về, em sẽ trao cho anh một GOME tốt hơn”. Tuy giá trị và lợi nhuận của GOME cho đến nay vẫn chưa hồi phục ở mức cao như trước khi ông Hoàng ngồi tù, nhưng nhờ có bà Đỗ, công ty này vẫn còn tồn tại.
CGNT dẫn Danh sách người giàu Trung Quốc của Hồ Nhuận năm 2019 cho thấy tài sản của gia tộc Hoàng ước tính 22,5 tỉ nhân dân tệ. Ông Hoàng thì được xếp ở vị trí 280 trong danh sách 400 người giàu Trung Quốc năm 2019 của Forbes, với tài sản ước tính 9,4 tỉ nhân dân tệ (1,45 tỉ USD). Sau khi ông Hoàng được phóng thích hồi tháng 6.2020, giá cổ phiếu của GOME tăng thêm 17,4% và giá cổ phiếu của một số công ty con của GOME cũng tăng vọt, theo Reuters. Tính đến ngày 4.1.2021, ông Hoàng có tài sản ròng ước tính lên tới 1,6 tỉ USD, đứng ở vị trí 344 trong danh sách 400 người giàu Trung Quốc của tạp chí Forbes
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.