Tập đoàn Bảo hiểm Anbang (Trung Quốc) vừa qua thông báo sẽ nộp đơn xin phép cơ quan quản lý nhà nước cho phép giải thể, theo tờ China Daily. Đây là dấu chấm hết cho một trong những tập đoàn tư nhân từng “làm mưa, làm gió” toàn cầu chỉ một vài năm về trước, dưới sự điều hành của Ngô Tiểu Huy, một trong những doanh nhân có nhiều ảnh hưởng nhưng đang phải thụ án tù.
Từ đỉnh cao...
Ông Ngô Tiểu Huy thành lập Anbang vào năm 2004. Từ chỗ là một công ty bảo hiểm xe hơi với số vốn ban đầu chỉ khoảng 500 triệu nhân dân tệ, Anbang trong hơn một thập niên sau đó phát triển thần tốc thành một tập đoàn bảo hiểm, dịch vụ tài chính với khối tài sản khoảng 1.900 tỉ nhân dân tệ (khoảng 300 tỉ USD, năm 2016), theo BBC.
Anbang được mô tả là một trong những công ty có mối liên hệ khăng khít nhất với những nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường Trung Quốc. Ông Ngô Tiểu Huy là cháu rể của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Trong khi đó, ban quản trị Anbang còn có tên ông Trần Tiểu Lỗ, con trai của nguyên soái Trần Nghị, người từng giữ chức Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Trung Quốc; và ông Chu Vân Lai, con trai của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ. Danh sách cổ đông giai đoạn đầu của Anbang gồm nhiều tập đoàn quốc doanh lớn như hãng dầu khí Sinopec hay Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC).
Khoảng giữa thập niên 2010, Anbang mua lại hàng loạt công ty bảo hiểm ở nhiều nước và mở rộng lĩnh vực kinh doanh thông qua việc mua lại các bất động sản, thương hiệu hạng sang trên thế giới. Anbang là một trong những tập đoàn tiên phong của Trung Quốc cùng với Fosun, Dalian Wanda hay HNA thực hiện các vụ thâu tóm rầm rộ bất động sản, câu lạc bộ thể thao, hãng phim lớn... ở nước ngoài trong những năm đó.
Năm 2014, Anbang tạo tiếng vang khi đồng ý chi 1,95 tỉ USD mua lại khách sạn nổi tiếng Waldorf Astoria ở New York (Mỹ), thương vụ bất động sản có giá trị lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Mỹ tính đến thời điểm đó, theo BBC. Ông Ngô nói rằng thương vụ đã mang lại cho Anbang sự công nhận thương hiệu và nhiều cơ hội kinh doanh.
|
... đến vực sâu
Nhưng đến những năm 2016-2017, việc đầu tư, mua bán và sáp nhập ở nước ngoài của các tập đoàn tư nhân bị nhà chức trách Trung Quốc siết chặt vì cuộc “bay vốn” ồ ạt cộng với việc đồng tiền mất giá gây nguy cơ bất ổn thị trường tài chính trong nước. Nằm trong mục bị chính quyền quy định hạn chế đầu tư ra nước ngoài là các lĩnh vực thu hút nhiều “đại gia” Trung Quốc như bất động sản, khách sạn, giải trí và thể thao.
Một trong những dấu hiệu là việc Anbang năm 2016 hỏi mua thương hiệu khách sạn và resorts Starwood với giá 14 tỉ USD nhưng bất thành. Theo tờ Financial Times, thương vụ thất bại một phần do không được cơ quan quản lý Trung Quốc phê chuẩn vì lo ngại rủi ro đầu tư. Bên cạnh đó, Bắc Kinh lo ngại sự ảnh hưởng các tập đoàn và doanh nghiệp như Anbang với hệ thống công ty con phức tạp cùng các khoản nợ lớn có thể gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Tháng 6.2017, ông Ngô bị bắt giữ để điều tra. Tháng 2.2018, Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc tiếp quản tập đoàn Anbang và sau đó đẩy nhanh việc bán lại các tài sản của tập đoàn này gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm và bất động sản ở nước ngoài để hạn chế thất thoát do hoạt động trái phép của ông Ngô.
Tháng 3.2018, Ngô Tiểu Huy nhận tội sử dụng thủ đoạn lừa đảo để kêu gọi hàng tỉ USD từ các nhà đầu tư, biển thủ hàng tỉ USD từ quỹ bảo hiểm của tập đoàn. Tháng 5.2018, ông Ngô bị tuyên án 18 năm tù và bị đóng băng số tài sản trị giá khoảng 1,7 tỉ USD. Kể từ khi tiếp quản Anbang, giới chức Trung Quốc siết chặt quy định đối với các công ty cổ phần tài chính nhằm giảm nguy cơ về việc một số nhóm công ty từ các ngành nghề không liên quan “mù quáng” lao vào lĩnh vực tài chính.
Bình luận (0)