Căng thẳng Mỹ - Trung dồn dập leo thang

Khánh An
Khánh An
26/06/2020 07:25 GMT+7

Mỹ và Trung Quốc liên tiếp gia tăng mâu thuẫn trên nhiều lĩnh vực từ gián điệp, thương mại đến tình hình khu vực Đông Nam Á, Iran và Nhật Bản.

Tờ South China Morning Post ngày 25.6 đưa tin các công tố viên liên bang Mỹ vừa kết luận rằng 2 sĩ quan quân đội Trung Quốc bị bắt tại Mỹ trong hai vụ khác nhau thực chất đã phối hợp trong hoạt động gián điệp.

Từ gián điệp, thương mại

Theo giới công tố Mỹ, 2 sĩ quan trên đã che giấu chuyện làm việc cho quân đội Trung Quốc trong khi tiếp cận các công nghệ mới của Mỹ, trong đó nghi phạm Vương Tân bị bắt hôm 7.6 khi chuẩn bị về nước với nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ cho Đại học California ở San Francisco. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết Vương có cấp hàm thiếu tá và đang lãnh lương từ quân đội Trung Quốc. Nghi phạm liên quan là Diệp Diên Khánh bị truy tố hồi tháng 1 với cáo buộc chuyển thông tin nghiên cứu tại Đại học Boston cho chính phủ Trung Quốc. Cơ quan công tố cho biết Diệp là trung úy quân đội Trung Quốc nhưng không khai báo khi xin thị thực.

Chính quyền ông Trump cáo buộc Huawei, Hikvision được quân đội Trung Quốc "chống lưng"

Liên quan lĩnh vực công nghệ, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa liệt kê 20 công ty hoạt động tại nước này đang được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn, trong đó có Huawei, Hikvision, China Mobile, China Telecom và Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC). Các hãng nêu trên chưa đưa ra bình luận, trong khi Hikvision gọi các cáo buộc là vô căn cứ và sẽ làm việc với chính phủ Mỹ để giải quyết vấn đề này. Theo Reuters, tổng thống Mỹ có thể đưa ra các biện pháp cấm vận, bao gồm cả việc phong tỏa tài sản của các công ty có tên trong danh sách.
Về thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký bản ghi nhớ nhằm bảo hộ lĩnh vực đánh bắt tôm hùm trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp. Cố vấn thương mại Peter Navarro cho hay Mỹ có thể áp thuế mới đối với hải sản Trung Quốc nếu Bắc Kinh không thực hiện cam kết nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ trị giá 150 triệu USD trong giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại. Trong bản ghi nhớ, Tổng thống Trump chỉ đạo Bộ Nông nghiệp hỗ trợ ngư dân đánh bắt tôm hùm bằng với mức hỗ trợ các ngành nông nghiệp khác trước ảnh hưởng từ “các biện pháp thương mại gây thiệt hại”. Các nghị sĩ bang Maine nhiều lần kêu gọi chính phủ hỗ trợ ngành tôm hùm, vốn là kế sinh nhai của hàng chục ngàn người và đóng góp 1,5 tỉ USD cho nền kinh tế mỗi năm.

Căng thẳng ở Đông Á

Căng thẳng Mỹ - Trung còn leo thang tại Đông Nam Á khi giới chức 2 nước cáo buộc nhau gây căng thẳng trong khu vực, theo South China Morning Post. Đại sứ Trung Quốc tại Singapore Hồng Tiểu Dũng cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper “gia tăng căng thẳng bằng việc nói Trung Quốc là một mối đe dọa và kêu gọi cùng nhau răn đe”. Trước đó, viết trên tờ The Strait Times, ông Esper nói Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn để hiện đại hóa các lực lượng trong khu vực và củng cố khả năng răn đe, trong “nỗ lực chuẩn bị cho quân đội trước các mâu thuẫn trong tương lai mà chúng tôi hy vọng sẽ không cần phải đánh, nhưng chúng tôi phải sẵn sàng để thắng”.
Bộ trưởng Esper chỉ trích Trung Quốc có các “hành động ác ý”, gây mất ổn định ở biển Hoa Đông và Biển Đông bằng hàng loạt hành động của hải quân, hải cảnh và dân quân biển, quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia và Việt Nam, đưa tàu cá được hộ tống tới vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng vi phạm luật quốc tế mà Bắc Kinh có tham gia.
Căng thẳng Mỹ - Trung còn liên quan đến Nhật Bản, khi Trung Quốc kêu gọi Nhật không ký thỏa thuận chứa các tên lửa tầm trung của Mỹ và duy trì chính sách theo hướng phòng vệ. Theo South China Morning Post, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ tìm cách triển khai tên lửa tầm trung tới sát nước này. Trong khi đó, theo Reuters, đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook cảnh báo Trung Quốc và Nga sẽ bị cô lập tại LHQ nếu tiếp tục ngăn chặn nỗ lực của Washington nhằm gia hạn lệnh cấm vũ khí đối với Iran.
Hoạt động đáng báo động của Trung Quốc ở Biển Đông
Reuters ngày 25.6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho rằng hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là đáng báo động. Liên quan Biển Đông, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nên sớm được nối lại sau khi bị trì hoãn do đại dịch Covid-19. “Chúng tôi tin rằng bộ quy tắc ứng xử sẽ góp phần tạo ra một môi trường có lợi ở Biển Đông”, bà Retno phát biểu sau khi dự cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN. Về thông tin Trung Quốc lên kế hoạch lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm qua phản đối mạnh mẽ và cho rằng kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế, theo Đài News5.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.