Cạnh tranh viện trợ y tế chống đại dịch Covid-19

31/03/2020 06:00 GMT+7

Mỹ đưa ra gói viện trợ quốc tế hàng trăm triệu USD giữa lúc Trung Quốc muốn thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới chống đại dịch Covid-19 .

Tờ The Washington Times hôm qua dẫn lại báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chính phủ nước này “dẫn đầu thế giới” về viện trợ các nước chống Covid-19. Cụ thể, Mỹ hồi đầu tháng 2 đã rót gói viện trợ quốc tế gần 100 triệu USD (gần 2.400 tỉ đồng).
Đến ngày 27.3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục giải ngân 274 triệu USD để hỗ trợ 64 quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Đây là một phần trong chương trình 1,3 tỉ USD viện trợ nước ngoài chống lại đại dịch đã được Tổng thống Donald Trump ký thông qua. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 22 quốc gia ở châu Á sẽ nhận được hàng triệu USD viện trợ, ngoại trừ Trung Quốc.

Trung Quốc muốn vượt mặt Mỹ

Ngoại trưởng Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền toàn cầu nhằm đổ lỗi cho Mỹ tạo ra vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19, cùng lúc cố khắc họa hình ảnh Trung Quốc là nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc hỗ trợ các quốc gia chống lại đại dịch.
Cạnh tranh viện trợ y tế1

Chính phủ Tây Ban Nha đã đặt hàng 340.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 từ Công ty Bioeasy Biotech của Trung Quốc

Ảnh: Shutterstock

“Điều này được thể hiện rõ nét qua cách Trung Quốc đưa ra tuyên bố nhập nhằng về viện trợ y tế. Cụ thể, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ vật tư y tế cho châu Âu, nhưng không làm rõ đâu là hàng viện trợ và lô nào là giao theo đơn đặt hàng”, chuyên gia Mike Watson, nhà phân tích của Viện Hudson (Mỹ), đánh giá.
Đáp lại, chính phủ Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cho rằng Bắc Kinh “chính trị hóa” hoạt động viện trợ y tế. Tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng: “Một số nước phương Tây chính trị hóa hoạt động viện trợ y tế để làm xấu hình ảnh Trung Quốc. Chúng tôi đã gửi thiết bị y tế, điều 7 nhóm chuyên gia đến 5 quốc gia để hỗ trợ chống Covid-19, bao gồm Iran, Ý, và đề xuất giúp đỡ 80 quốc gia, tổ chức tế quốc tế”.

Lo ngại chất lượng vật tư y tế Trung Quốc

Các nước châu Âu bày tỏ lo ngại về chất lượng vật tư y tế nhập khẩu từ Trung Quốc. Mới đây, Công ty Bioeasy Biotech ở TP.Thâm Quyến (Trung Quốc) hứa hẹn sẽ thay thế hàng ngàn bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 cho Tây Ban Nha, sau khi thủ đô Madrid ngừng dùng dụng cụ này vì có độ chính xác 20%, thấp hơn mức quảng cáo 80%.

[VIDEO] Bộ xét nghiệm Covid-19, khẩu trang từ Trung Quốc có chất lượng "không đáng tin cậy"

Còn Hà Lan hôm 29.3 thu hồi nửa triệu khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc để phân phối đến các bệnh viện sau khi phát hiện chúng không đảm bảo chất lượng. Tờ Hoàn cầu Thời báo ngay lập tức kêu gọi chính phủ Trung Quốc kiểm soát chất lượng thiết bị y tế xuất khẩu. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan thì kêu gọi các nước “giữ bình tĩnh và không chính trị hóa” vấn đề viện trợ, nhập khẩu thiết bị y tế.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua đã phải lên tiếng xin lỗi vì Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho rằng 2 lô dụng cụ xét nghiệm Covid-19 do Trung Quốc cung cấp có độ chính xác dưới 40%. Philippines đồng thời thừa nhận chất lượng của lô hàng này đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Lời xin lỗi được đưa ra sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chỉ trích bình luận của bà Vergeire là “vô trách nhiệm”, khiến công chúng hiểu lầm và làm xáo trộn nỗ lực hợp tác chống lại Covid-19.

[VIDEO] Thủ tướng Singapore: Mỹ không dẫn đầu cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là điều 'đáng tiếc'

Trả lời phỏng vấn đài CNN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi Mỹ - Trung Quốc nên chấm dứt đổ lỗi cho nhau và nói “thật đáng tiếc nếu Mỹ không dùng kiến thức sâu rộng, quyền lực mềm và nguồn tài nguyên lớn để lãnh đạo nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19”. Thủ tướng Lý nói ông muốn thấy sự lãnh đạo của Mỹ trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới.
Bình luận được đưa ra giữa lúc chính phủ Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích chậm phản ứng trước đại dịch Covid-19 và rất ít quốc gia tìm đến Washington hoặc các quan chức cấp cao Mỹ để học cách xử lý đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.