Châu Á trước thách thức phát triển công nghiệp không gian

Khánh An
Khánh An
08/07/2020 07:36 GMT+7

Việc tập đoàn tư nhân SpaceX (Mỹ) phóng thành công tên lửa đưa các phi hành gia lên vũ trụ đang khiến các công ty ở châu Á vô cùng nôn nóng.

Tập đoàn SpaceX của tỉ phú Elon Musk ngày 31.5 phóng thành công tên lửa đẩy Falcon 9 đưa tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX cùng 2 phi hành gia Mỹ rời bệ phóng tại Florida, mở ra kỷ nguyên mới trong lĩnh vực du hành không gian thương mại. Tờ Nikkei Asian Review mới đây phân tích rằng cuộc phóng tên lửa trên làm nức lòng giới chuyên môn ở châu Á khiến nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) càng nôn nóng đạt các bước tiến mới trong lĩnh vực không gian, dù vấp phải vô số trở ngại.

Cơ hội trên vũ trụ

Tại Nhật Bản, Tổng giám đốc Nobu Okada của Công ty dịch vụ không gian Astroscale dán mắt vào màn hình suốt 19 tiếng kể từ khi tàu Crew Dragon khởi hành từ Cape Canaveral (Florida) đến khi kết nối thành công vào Trạm không gian quốc tế (ISS). Ông Okada cùng những chuyên gia tại thị trường không gian thương mại ở châu Á xem đó là một nguồn cảm hứng và thách thức, với nhiều khó khăn về tài chính và kỹ thuật.

Phi hành gia NASA đến trạm không gian ISS sau chuyến bay "mượt mà" trên tàu SpaceX

Theo Công ty tư vấn không gian Bryce Space and Technology, các công ty khởi nghiệp thu hút 5,7 tỉ USD đầu tư trong năm ngoái, tăng 61% so với năm 2018 và gấp 6 lần so với năm 2014. Theo chuyên gia Simon Gwozdz, nhà sáng lập Công ty Equatorial Space Systems ở Singapore, lĩnh vực không gian vốn nổi tiếng là khó khăn về nghiên cứu, phát triển lẫn thương mại hóa. Tuy nhiên, ông dự định sẽ phóng tên lửa thương mại đầu tiên của châu Á vào đầu năm 2021. “Mọi việc thật gắt gao vào ngày nay, chúng ta sẽ xem ai có công nghệ tốt hơn, các tiếp cận thị trường thực tế hơn và có giải pháp tồn tại”, ông nhận định.

Nhiều trở ngại

Tương tự, ông Okada xem đây là thời khắc “thắng bại” của các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp hàng không. Astroscale sáp nhập 1 doanh nghiệp Israel vào ngày 3.6 và tiếp tục đẩy mạnh sáp nhập trong lĩnh vực dịch vụ bảo trì các vệ tinh trên quỹ đạo. Nhiều nhân tài đang tìm đến với công ty khi chứng kiến những nỗ lực này. Ông Okada xem thành công của SpaceX là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ không gian ngày càng tăng.
Trong khi tham vọng không thiếu, việc thu hút vốn đầu tư trở nên khó khăn hơn với sự suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, và chỉ một số ít tìm được đường đến với khả năng thương mại hóa. Các liên doanh với Trung Quốc thì gặp khó khăn do căng thẳng leo thang giữa nước này và Mỹ. Các công ty khởi nghiệp ở Nhật thu hút 560 triệu USD vốn trong 5 năm qua, nhưng việc thu hút vốn trong thời gian sắp tới đang đối diện nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là những trở ngại về kỹ thuật. Hôm 14.6, Công ty Interstellar Technologies ở Nhật của doanh nhân Takafumi Horie thất bại trong việc phóng tên lửa nghiên cứu lên quỹ đạo, dù từng phóng thành công hồi tháng 5.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.