Châu Âu áp dụng biện pháp mạnh khống chế dịch

24/03/2020 06:30 GMT+7

Trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, nhiều nước châu Âu đã đẩy mạnh biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lan nhanh.

Cấm tụ tập hơn 2 người

Trong vòng 2 tuần kể từ ngày 23.3, Đức cấm tụ tập nhiều hơn 2 người tại nơi công cộng, theo Bloomberg. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình không nằm trong quy định này. Nhà hàng vẫn được phép mở cửa, song chỉ bán thức ăn mang đi hoặc giao tận nhà. Các tiệm hớt tóc, làm móng... cũng đều phải đóng cửa.

[VIDEO] Hơn 6.000 ca tử vong vì Covid-19 tại Ý, châu Âu mạnh tay chống dịch

Bayern (Bavaria) là bang đầu tiên của Đức ban hành lệnh hạn chế ra khỏi nhà từ ngày 21.3. Người dân Bayern được phép đi làm, đi khám bệnh, mua nhu yếu phẩm cần thiết. Siêu thị vẫn mở cửa song có đặt kính chắn tại nơi thu tiền, khách hàng giữ khoảng cách ít nhất 2 m. Những trường hợp vi phạm, đặc biệt gây nguy hiểm cho cộng đồng, có thể bị phạt lên tới 25.000 euro (620 triệu đồng), theo Đài Deutsche Welle. Sau Bayern, hàng loạt bang khác ở Đức cũng đưa ra những quyết định tương tự.

Thủ tướng Đức tự cách ly 

Đài Deutsche Welle hôm 23.3 dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cho hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải tự cách ly ở nhà sau khi tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2. Ba ngày trước đó, bà được một bác sĩ tiêm vắc xin phòng viêm phổi. Sau đó, bác sĩ này nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy bà Merkel âm tính với SARS-CoV-2, song cần xét nghiệm thêm, theo ông Seibert.Trong thời gian cách ly, bà Merkel vẫn tiếp tục làm việc tại nhà.
Áo, Thụy Sĩ cấm tụ tập hơn 5 người tại nơi công cộng. Nếu tụ tập dưới 5 người thì giữ khoảng cách ít nhất 2 m...
Sau khi đóng cửa mọi nhà máy và công ty không thiết yếu trong nước, Ý đang xem xét các biện pháp quyết liệt hơn để kiểm soát dịch. Tại vùng Lombardy, chính quyền cấm người dân ra khỏi nhà tập thể dục. Những ai vi phạm có thể bị phạt tới 5.000 euro (gần 130 triệu đồng).

[VIDEO] Hơn 80 triệu người Mỹ được yêu cầu ở nhà để ngăn chặn Covid-19

Cùng ngày, Nga cho biết nước này quyết định điều ít nhất 10 máy bay vận tải quân sự chở chuyên gia y tế, nhà vi rút học, các xe khử trùng đặc biệt và các thiết bị y tế khác đến Ý nhằm hỗ trợ chống dịch.

Mỹ tố Trung Quốc “trì hoãn chia sẻ thông tin” 

Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự khó chịu vì Trung Quốc trì hoãn việc chia sẻ thông tin về tình hình dịch Covid-19. “Lẽ ra họ nên nói với chúng tôi sớm hơn. Tôi ít nhiều bực bội với Trung Quốc về điều này”, Reuters hôm qua dẫn lời chủ nhân Nhà Trắng. Tổng thống Trump cho biết sau khi nhận được tin tức về dịch bệnh ở Trung Quốc, ông đã trao đổi ngay với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc gửi đội ngũ chuyên gia y tế Mỹ đến Vũ Hán, nhưng ông Tập từ chối.
Trong khi đó, cuộc tranh cãi nguồn gốc SARS-CoV-2 giữa Washington với Bắc Kinh tiếp tục tăng nhiệt trên Twitter. Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng ngày 22.3 (theo giờ địa phương) cáo buộc Trung Quốc gieo rắc thông tin sai lệch về dịch bệnh và hạn chế quyền tiếp cận những dữ liệu quý giá để thế giới có thể chống dịch Covid-19. Còn phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đến ngày 3.1 giới chức Bắc Kinh ra lệnh “hủy các mẫu vi rút gây dịch Covid-19, bịt miệng các bác sĩ Vũ Hán và kiểm duyệt những ý kiến quan ngại của công chúng”.
Đáp trả, phát ngôn viên Hoa Xuân Doanh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh cho Mỹ từ ngày 3.1 đến nay. “Và giờ đây Mỹ lại đổ cho Trung Quốc chậm trễ thông tin?”, theo bà Hoa. Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tiếp tục phản đối hành động lan truyền các thuyết âm mưu chống Mỹ, cho rằng đây là hành động lợi bất cập hại.
H.G
Chính phủ Tây Ban Nha quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tới ngày 11.4. Lệnh tình trạng khẩn cấp, đã được áp đặt từ ngày 14.3 và có hiệu lực trong 15 ngày, cấm người dân đi lại trừ những trường hợp cấp bách, theo Reuters. Tại Pháp, những ai vi phạm lệnh phong tỏa có thể bị phạt từ 135 - 3.700 euro (4,5 - gần 95 triệu đồng). Người tái phạm sẽ lãnh án 6 tháng tù, theo Deutsche Welle.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã ban hành lệnh giới nghiêm trên cả nước, có hiệu lực từ sáng 23.3. Theo đó, cấm người dân đi lại trừ những trường hợp đặc biệt như khám bệnh, mua nhu yếu phẩm...

Hỗ trợ người dễ tổn thương

Tờ The Guardian hôm qua đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo nước này có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng như Ý, nếu người dân không tuân thủ khuyến cáo về giữ khoảng cách xã hội an toàn, ít nhất là 2 m. Mọi địa điểm giải trí công cộng đã bị đóng cửa.

[VIDEO] Thủ tướng Anh yêu cầu toàn bộ hàng quán đóng cửa, người dân ở nhà để chống dịch Covid-19

Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo 1,5 triệu dân thuộc nhóm dễ tổn thương vì Covid-19 nên ở yên tại nhà trong 12 tuần. Nhóm này bao gồm bệnh nhân ung thư, ghép tạng và người mắc vấn đề hô hấp nặng. Theo BBC, Anh đang thiết lập các trung tâm hỗ trợ trên cả nước với sự tham gia của nhân viên xã hội địa phương, nhà thuốc, siêu thị và quân đội để bảo đảm cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm và thuốc men cho nhóm bệnh nhân dễ tổn thương.

Cần áp dụng song song nhiều biện pháp

Trong khi đó, Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cảnh báo các biện pháp phong tỏa, vốn đang được ngày càng nhiều quốc gia áp dụng, vẫn chưa đủ để ngăn dịch Covid-19 lan rộng, và cần phải tiến hành song song những biện pháp khác.

[VIDEO] Bài học gì từ Trung Quốc đại lục trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19?

“Điều chúng ta thật sự cần phải làm trong giai đoạn hiện nay là tập trung vào việc tìm kiếm các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và cách ly họ, kế đến là truy tìm những người mà họ đã tiếp xúc và tiếp tục cách ly toàn bộ nếu muốn ngăn ngừa dịch bệnh”, bác sĩ Ryan phát biểu trên Đài BBC hôm 22.3.
“Phong tỏa cũng đang mang theo nguy cơ to lớn... nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp chặt chẽ nhằm kiểm soát dịch bệnh, thì khi thời hạn phong tỏa chấm dứt, bệnh dịch một lần nữa sẽ trỗi dậy”, ông cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.