Chiến lược Indo-Pacific trong bước chuyển mới

14/11/2019 07:23 GMT+7

Không chỉ đưa ra báo cáo nhấn mạnh nhiều hơn về việc tập trung vào khu vực liên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Mỹ đang có thêm nhiều động thái củng cố quan hệ khu vực này.

Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T.Esper ngày 13.11 khởi hành chuyến công du đến 4 nước châu Á gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines. Trong chuyến đi lần này, một trong các chủ đề mà ông Esper sẽ thảo luận là tình hình an ninh ở khu vực liên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Trước đó, ngày 11.11, Lầu Năm Góc cũng thông báo tướng Mark A.Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cũng sẽ có chuyến công du đến Nhật Bản và Hàn Quốc với nội dung thảo luận dự kiến liên quan Indo-Pacific.
Đây chính là chủ đề của chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập trong bài phát biểu khi đến thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11.2017.

Duy trì tự do hàng hải

Liên quan chủ đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4.11 báo cáo “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung” nhằm đánh giá và cập nhật tình hình về chiến lược FOIP mà Washington theo đuổi. Trong báo cáo, Washington khẳng định Mỹ hợp tác cùng các nước trong khu vực để duy trì tự do hàng hải và tận dụng nhiều biện pháp khác nhau để tất cả các quốc gia có thể cùng chia sẻ lợi ích từ biển. Báo cáo cũng khẳng định chủ quyền dựa theo bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò - NV) mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông đã được chứng minh là vô căn cứ, phi pháp và bất hợp lý.
Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng báo cáo trên đã nhấn mạnh những nhận thức về tầm quan trọng của Indo-Pacific đối với Mỹ, cũng như chiến lược mà nước này tiếp tục theo đuổi là xây dựng một mạng lưới hợp tác tại khu vực.

Phối hợp chiến lược

Tương tự, TS Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận định với Thanh Niên rằng báo cáo trên nhấn mạnh chiến lược FOIP, đồng thời tô đậm các thách thức mà Trung Quốc đang tạo ra. Tuy nhiên, TS Collin lại cho rằng báo cáo trên vẫn chưa đủ thuyết phục các nước ASEAN khi Tổng thống Donald Trump vắng mặt trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra hồi đầu tháng 11 tại Thái Lan.
Cùng nhận định tương tự khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào ngày 13.11, PGS-TS Richard Heydarian, chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines - người vừa xuất bản cuốn sách về chiến lược FOIP, cho rằng việc Bộ trưởng Mark T.Esper và tướng Mark A. Milley đều công du đến châu Á lần này chính là để giải quyết thiếu sót trên. Đây là chuyến công cán quốc tế đầu tiên của tướng Milley trên cương vị Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
“Đây chính là cách Mỹ “bù đắp” lại việc chủ nhân Nhà Trắng đã vắng mặt ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ”, ông Heydarian nói và dự báo các chuyến công du sẽ thảo luận nhằm đạt được sự phối hợp cho một chiến lược rõ ràng hơn để xử lý các thách thức trong khu vực.
Cùng ngày 13.11, nhận xét về các chuyến công du trên, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng: “Tướng Milley sẽ cho thấy rằng Mỹ vẫn cam kết là một đối tác an ninh ở châu Á. Hai chuyến công du đều tập trung phần lớn vào an ninh hàng hải - điều đã được làm rõ trong báo cáo hồi đầu tháng của Bộ Ngoại giao về Indo-Pacific”.
Trả lời Thanh Niên, TS John Hamre, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định việc báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “đường lưỡi bò” là phi pháp đã “thể hiện một quan điểm phổ biến ở Washington. Đó là cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng Trung Quốc thiếu cơ sở lịch sử (đối với chủ quyền Biển Đông - NV) và vi phạm luật pháp quốc tế.
“Vì lý do đó, hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông và tập trận trên biển cùng Nhật Bản”, TS John Hamre nhận xét.
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan
Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan hôm 12.11 (giờ địa phương) trong chuyến hải hành thông thường và tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, theo Đài Fox News dẫn lời phát ngôn viên Reann Mommsen của Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ. Bà Mommsen tuyên bố hải quân Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu bè “đến mọi nơi luật quốc tế cho phép”. “Mọi sự tương tác với các tàu và máy bay (của Trung Quốc) là chuyên nghiệp và bình thường”, một quan chức hải quân Mỹ phát biểu về hành trình của tàu USS Chancellorsville qua eo biển Đài Loan.
Huỳnh Thiềm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.