Con số thương vong nói trên được Bộ Quốc phòng Armenia công bố vào ngày 28.9, nâng tổng số binh sĩ của Armenia thiệt mạng từ khi giao tranh bùng phát ngày 27.9 lên thành 32 người.
Reuters đưa tin cả hai bên đều triển khai pháo binh hạng nặng đến khu vực và giao tranh tiếp diễn suốt đêm qua. Sáng 28.9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng Armenia đang pháo kích thị trấn Terter ở biên giới và cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng nếu hành động này không dừng lại.
Nagorno-Karabakh là khu vực có đa số người Armenia sinh sống và nhận viện trợ về kinh tế, quân sự từ Armenia. Azerbaijan coi Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của mình và hai bên từng nhiều lần giao tranh trong quá khứ.
Trong lần đụng độ này, Armenia cáo buộc Azernaijan dùng máy bay chiến đấu và pháo binh oanh tạc các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, Azerbaijan gọi đó là cuộc phản công đối với màn gây hấn trước của Armenia.
Nagorno-Karabakh và Armenia ngày 27.9 ban bố thiết quân luật và ra lệnh tổng động viên nam giới đến tuổi nhập ngũ. Azerbaijan sau đó đưa ra quyết định tương tự.
|
Liên Hiệp Quốc và nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27.9 kêu gọi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phải nỗ lực hết sức để xung đột không leo thang.
Theo đài RT, Nga và Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), sáng kiến đối trọng với NATO, và Moscow có nghĩa vụ bảo vệ cho Yerevan trong trường hợp Armenia bị tấn công.
Bình luận (0)