Chính trường Thái Lan trước giờ G

23/03/2019 07:38 GMT+7

Sau nhiều lần trì hoãn, Thái Lan bước vào cuộc tổng tuyển cử được kỳ vọng sẽ tái lập chính quyền dân sự kể từ sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ năm 2014.

Hôm qua, các đảng chính trị ở Thái Lan tiến hành đợt vận động cuối cùng trước khi cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 24.3 để chọn ra đảng cầm quyền mới có thể thành lập chính phủ thay thế chính quyền quân sự.
Sau khi tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Thủ tướng Yingluck năm 2014, quân đội Thái Lan cam kết sẽ cho tiến hành bầu cử nhưng kế hoạch nhiều lần bị trì hoãn vì những lý do khác nhau.
Trong những ngày qua, các đảng tỏa lực lượng vận động về các khu dân cư, thôn xóm để kêu gọi người dân đi bầu và bỏ phiếu bầu cho họ. Ngoài chính sách tranh cử nhắm vào nhu cầu thiết thực, đời sống kinh tế, dân sinh, một số đảng còn ra sức đả kích đối phương hoặc tung “chiêu trò” như tặng quà, mời ngôi sao giải trí biểu diễn… để thu hút những cử tri còn do dự.
Theo thống kê, có 44 chính đảng tranh cử với 68 ứng viên đại diện chạy đua cho ghế thủ tướng. Tuy nhiên, chỉ có 7 đảng được đánh giá là có cơ hội chiến thắng gồm: Dân chủ, Pheu Thai, Future Forward, Palang Pracharath, Thairaktham, Thai Local Power và Bhumjaithai. Trong đó, Palang Pracharath ủng hộ quân đội và đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã nhận lời đại diện đảng tranh cử. Số còn lại đều có xu hướng đối lập với quân đội, chủ yếu cam kết đẩy mạnh tăng trưởng, cải thiện đời sống người lao động, nông dân, và đặc biệt là cắt giảm ngân sách quân sự.
[VIDEO] Thái Lan chuẩn bị bầu cử lần đầu sau đảo chính năm 2014
Kết quả thăm dò cho thấy cử tri Thái Lan mong muốn có sự thay đổi ở thượng tầng theo hướng tăng cường sự hiện diện của các nhà kỹ trị để vực dậy nền kinh tế đang ì ạch. Cũng theo khảo sát, những gương mặt sáng giá cho ghế thủ tướng gồm ông Prayuth, bà Sudarat Keyuraphan của đảng Pheu Thai, doanh nhân Thanathorn Juangroonruangkit (đảng Future Forward) và cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva (Dân chủ).
Một trong những đảng thu hút sự chú ý nhất vẫn là Pheu Thai, được coi là lực lượng chính trị của 2 anh em các cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra. Thời gian qua, chính phủ Thái có nhiều bước đi siết chặt hoạt động của đảng này, còn đảng Thai Raksa Chart, có liên hệ mật thiết với Pheu Thai, bị tòa hiến pháp tuyên giải thể. Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Yuthaporm Issarachai thuộc Đại học Sukhothai Thammasat cho biết Pheu Thai vẫn rất được lòng tầng lớp thu nhập thấp và nông dân, đặc biệt tại các tỉnh phía bắc.
Tuy nhiên, theo hầu hết các nhà quan sát, không có đảng nào, kể cả Pheu Thai, sẽ giành đủ ghế trong quốc hội để có thể tự mình lập chính phủ và sẽ phải liên minh với các phe khác. “Pheu Thai có thể giành đa số ghế trong quốc hội nhưng sẽ không đủ để lập chính phủ, mà phải dựa vào liên minh. Tuy nhiên, đây sẽ là thách thức lớn”, nhà phân tích Dulyapak Preecharush, cũng thuộc Trường Sukhothai Thammasat, nói với Thanh Niên.
Pheu Thai cũng đã đánh tiếng đề nghị liên minh nhưng cựu Thủ tướng Abhisit và đảng Dân chủ thẳng thừng tuyên bố sẽ không bắt tay với “đối thủ truyền kiếp”. Ngược lại, ông Thanathorn của Future Forward cho rằng đây là “lựa chọn đáng suy nghĩ”, đồng thời tuyên bố nếu thắng cử thì sẽ đưa anh em ông Thaksin về nước.
Ngày 17.3 đã diễn ra cuộc bầu cử sớm dành cho những cử tri ở nước ngoài hoặc sẽ không thể có mặt để bỏ phiếu vào ngày 24.3, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết cuộc bầu cử sớm diễn ra như kế hoạch, không phát hiện trường hợp gian lận nào. Theo dự kiến, hơn 51 triệu cử tri sẽ bỏ phiếu vào ngày 24.3, bao gồm hơn 7 triệu người lần đầu tiên đi bầu. Chính phủ cũng đã ban bố lệnh cấm mua bán và uống rượu trong 2 ngày 23 và 24.3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.