Cuộc đua 'siêu chiến đấu cơ' thế hệ mới:

Trung Quốc có vượt qua Mỹ thống trị bầu trời?

06/01/2025 05:54 GMT+7

Trình diễn chiến đấu cơ thế hệ 6 đầu tiên trên thế giới, nhưng Trung Quốc có thực sự đủ sức vượt qua Mỹ về trình độ chiến đấu cơ.

Như đã nói, chưa rõ tính năng cụ thể của dòng chiến đấu cơ thế hệ 6 (tạm gọi là J-36) của Trung Quốc vừa được trình diễn hồi cuối tháng 12 vừa qua.

Thế hệ 5 vẫn chưa hoàn thiện

Đến nay, với 2 dòng J-20 và J-35 Trung Quốc hiện nằm trong số ít quốc gia sản xuất chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình.

Trung Quốc có vượt qua Mỹ thống trị bầu trời?- Ảnh 1.

Chiến đấu cơ J-20 (trái) và F-22 đều thuộc thế hệ 5

Ảnh: Reuters

Trong số này, dòng J-35 đến nay vẫn chưa được biên chế hàng loạt. Thực tế, J-35 được phát triển từ nguyên mẫu của dòng FC-31 được bay thử từ năm 2012. Thế nhưng, đến 9 năm sau, vào năm 2021 thì J-35 mới được bay thử. Được xem là phiên bản chuyên dụng cho hải quân, J-35 được thiết kế bộ cánh có thể xếp lại và có thể sử dụng bộ đẩy trên tàu sân bay để hỗ trợ cất cánh. Còn phiên bản J-35A của dòng J-35 dành cho không quân thì chỉ mới được bay thử vào cuối năm 2023. Vì thế, nếu theo lộ trình mất ít nhất từ 5 - 7 năm cho quá trình từ lúc bay thử lần đầu đến lúc triển khai hàng loạt, thì Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian để đạt đến bước triển khai hàng loạt J-35. Về phía Mỹ, nước này đã phát triển đến 3 phiên bản của F-35 gồm phiên bản cơ bản cất/hạ cánh theo điều kiện thông thường, phiên bản cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng, phiên bản cất cánh với bộ đẩy và hạ cánh đường băng ngắn dành cho tàu sân bay.


Không những vậy, các dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 như F-22 và F-35 của Mỹ nhiều năm qua đã tham gia thực chiến, hay dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 Su-57 của Nga gần đây cũng thực chiến ở chiến trường Ukraine, thì dòng J-20 của Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ cuộc thực chiến nào.

Đặc biệt, F-22 của Mỹ là dòng máy bay tiêm kích duy nhất có chế độ bay hành trình siêu nhanh, có tốc độ hành trình lên đến mach 1,5 (gấp 1,5 lần tốc độ âm thanh). Cụ thể, để đạt tốc độ siêu thanh, các chiến đấu cơ thông thường phải kích hoạt "buồng đốt sau" (buồng đốt tăng lực) vốn tiêu hao rất nhiều nhiên liệu nên sẽ bị giảm bán kính tác chiến. Thế nhưng, F-22 lại có thể đạt tốc độ mach 1,5 mà không cần phải kích hoạt "buồng đốt sau" nên tiết kiệm nhiên liệu đáng kể so với các loại chiến đấu cơ khác, dù vẫn có thể bay ở tốc độ cao để nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Vì những ưu thế khác biệt lớn, F-22 đến nay vẫn không được Mỹ bán cho các nước khác.

Vì thế, thực lực của chiến đấu cơ thế hệ 5 của Trung Quốc đến nay vẫn chưa hoàn thiện theo mục tiêu nước này đề ra, và khó có thể so sánh với Mỹ.

Hạn chế về không quân của hải quân

Tổng thể, đến nay dù sở hữu 3 tàu sân bay nhưng khả năng thực tế của các tàu này vẫn hạn chế, nên dẫn đến hải quân Trung Quốc vẫn chưa đột phá về sức mạnh không quân.

Vì chưa phát triển J-35 phiên bản tàu sân bay, nên các tàu sân bay của Trung Quốc vẫn chỉ mang theo chiến đấu cơ J-15. Trong số 3 tàu sân bay, tàu Liêu Ninh và tàu Sơn Đông chưa có bộ phóng máy bay nên vẫn lệ thuộc vào đường cất cánh theo thiết kế mũi hếch lên, còn tàu sân bay Phúc Kiến được trang bị bộ phóng máy bay điện từ thì vẫn còn trong quá trình thử nghiệm.

Trong khi đó, phân tích khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá J-15 thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục khi triển khai cùng tàu sân bay Liêu Ninh lẫn Sơn Đông. Nguyên nhân là dòng máy bay J-15 quá nặng để cất và hạ cánh trên tàu sân bay, trong khi cả hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc đều không được trang bị bộ đẩy máy bay.

Cụ thể, J-15 có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh lên đến 33 tấn, còn máy bay F/A-18 trên tàu sân bay Mỹ có tổng trọng tải tối đa khi cất cánh là 23 tấn.

Trong khi đó, không chỉ được trang bị bộ phóng máy bay, tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford của Mỹ đều có độ choán nước trên 100.000 tấn và dài hơn 330 m, tức lớn và dài hơn nhiều so với độ choán nước khoảng 70.000 tấn và chiều dài lần lượt 300, 315 m của tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông. Ngoài ra, với phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, chiến đấu cơ F-35 của Mỹ còn được nước này triển khai trên các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp và America để vận hành như tàu sân bay.

Chính vì thế, dù trên danh nghĩa có số lượng tàu sân bay nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn kém xa đối thủ về năng lực tác chiến của không quân thuộc hải quân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.