Chuyện Biển Đông ở Washington D.C

22/01/2020 06:00 GMT+7

Tại thủ đô của nước Mỹ, Biển Đông luôn là chủ đề được theo dõi sát sao bởi nhiều chuyên gia ở các trung tâm nghiên cứu đầy ảnh hưởng.

Xoay màn hình máy tính về phía tôi, ông Gregory B.Poling thao tác để phóng to hình chụp cập nhật mới nhất từ vệ tinh về một số thực thể trên Biển Đông. Hình ảnh mới này được đối chiếu với các hình cũ được chụp cùng một vị trí, rồi chỉ ra những thay đổi.

Việc so sánh hình ảnh để phân tích như thế là công việc thường xuyên của chuyên gia Poling trong vai trò Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington D.C (Mỹ). Từ kết quả so sánh hình ảnh, ông Poling cùng các cộng sự phân tích để giải đáp những vật thể thay đổi ở thực địa là gì.

Một hội thảo thường niên về Biển Đông tại CSIS

Bên cạnh hình ảnh thực địa từ nhiều nguồn khác nhau, AMTI sử dụng các hình chụp từ vệ tinh chủ yếu được cung cấp bởi DigitalGlobe - công ty chuyên cung cấp hình ảnh chất lượng cao chụp từ vệ tinh. Tuy nhiên, không phải cá nhân hay đơn vị nào cũng có thể mua hình ảnh chất lượng cao từ DigitalGlobe, bởi theo quy định thì nhiều trường hợp phải có sự đồng ý từ chính quyền Mỹ. Hiện nay, nhiều cơ quan tình báo Mỹ cũng sử dụng hình ảnh do DigitalGlobe cung cấp.
Khoảng 5 năm qua, AMTI chính là nguồn thông tin quý giá cho truyền thông, các cơ quan nghiên cứu khắp thế giới, khi công bố các báo cáo cập nhật quá trình Trung Quốc tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai khí tài trên các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đó là những cầu cảng, đường băng, nhà chứa máy bay, chiến đấu cơ, hệ thống radar, tên lửa các loại… Những thông tin và phân tích liên tục được cập nhật từ AMTI đã được truyền thông toàn cầu trích dẫn mạnh mẽ suốt thời gian qua, giúp cộng đồng quốc tế kịp thời lên án các hành vi của Bắc Kinh.
CSIS, bên cạnh AMTI còn có nhiều chương trình khác cũng nghiên cứu sâu rộng liên quan Biển Đông ở các góc độ khác nhau. Ví dụ như chương trình Đông Nam Á, chương trình Nghiên cứu quyền lực Trung Quốc hay chương trình Tái kết nối châu Á… Mới đây nhất, vào tháng 1.2019, CSIS giới thiệu dự án An ninh hải dương Stephenson cũng có nghiên cứu nguồn thủy hải sản trên Biển Đông và đưa ra các cảnh báo đáng lưu tâm trước thực trạng đánh bắt bừa bãi tại đây.
Từ năm 2011, CSIS bắt đầu tổ chức hội thảo thường niên về Biển Đông tại Washington D.C và dần trở thành sự kiện thu hút đông đảo chuyên gia, đại diện chính quyền và chính trị gia của nhiều nước tham dự. Chính tại các hội thảo này, giới nghị sĩ Mỹ không ít lần đưa ra các thông điệp cứng rắn về Biển Đông và mở ra các biện pháp ứng phó mới. Với nguồn tài chính hoạt động mỗi năm lên đến khoảng 40 triệu USD (hơn 900 tỉ đồng), CSIS đưa ra các phân tích có tác động lớn lên cả chính phủ Mỹ. Chính vì thế, đây là một trong các trung tâm nghiên cứu chính sách có sức ảnh hưởng hàng đầu nước Mỹ.
Không chỉ thông qua các nghiên cứu hay sự kiện ở CSIS, đội ngũ chuyên gia của trung tâm nghiên cứu này còn phản biện mạnh mẽ trước quan chức của Trung Quốc về các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Điển hình trong lần Đối thoại Shangri La diễn ra tại Singapore vào năm 2014, bà Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình Nghiên cứu quyền lực Trung Quốc của CSIS, đã phản bác mạnh mẽ các luận điểm về tuyên bố chủ quyền theo bản đồ “đường lưỡi bò” được trình bày bởi ông Vương Quán Trung, khi đó đang giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc. Sự phản biện của bà Glaser với nhiều chứng lý mạnh mẽ đã khiến Phó tổng tham mưu trưởng Vương phải lúng túng giữa diễn đàn.
2.“Biển Đông luôn là đề tài nóng của giới nghiên cứu quốc tế ở Washington này”, tiến sĩ Satoru Nagao đã chia sẻ như vậy với tôi khi ăn trưa tại Washington. Là một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản) và từ năm 2017 sang làm việc dưới vai trò học giả hợp tác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hudson (Washington D.C), tiến sĩ Nagao luôn cập nhật từng diễn biến liên quan Biển Đông.
Trong phòng làm việc riêng của ông tại Viện Nghiên cứu Hudson là tấm bản đồ tích hợp thông tin tóm lược các mốc diễn biến quan trọng trên Biển Đông từ thập niên 1950. Lần nào gặp tiến sĩ Nagao tại đây, ông cũng say sưa chia sẻ các nhận định về những động thái liên quan mới nhất.
Nằm đối diện khách sạn Trump trên đại lộ Pennsylvania, Viện Nghiên cứu Hudson cũng là một địa điểm quy tụ nhiều nghiên cứu về Biển Đông, được giới lãnh đạo Mỹ chọn làm nơi để đưa ra thông điệp dành cho Bắc Kinh. Cụ thể như cuối năm 2018 tại viện này, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu mạnh mẽ lên án hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Mới đây, cuối tháng 11.2019, giới chuyên gia quốc tế cũng có mặt tại Viện Hudson để tham gia hội thảo về tình hình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà nội dung đề cập rất nhiều đến tình hình Biển Đông mang ý nghĩa định hình sự ổn định cho khu vực.
3.“Lúc 5 giờ 30 chiều mai, sau khi kết thúc hội thảo ở CSIS, thì đến The Commissary trên đường P để tham dự buổi gặp gỡ của CIMSEC nhé”. Chỉ dòng email ngắn gọn như thế là lời mời tham dự “hội thảo” của anh bạn Scott Cheney-Peters. Và cũng không cần tìm kiếm trên Google, thì tôi cũng biết chắc rằng The Commissary là tên một “quán nhậu”.
Từng tham gia hải quân Mỹ và nay vẫn là một sĩ quan dự bị, Scott còn là một nhà nghiên cứu, phân tích chuyên về an ninh hàng hải, đồng thời sáng lập nên Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC) ở Washington D.C. Không tổ chức những hội thảo chính thức, CIMSEC cùng Scott thường tổ chức các buổi gặp mặt hằng tháng ở các nhà hàng.
Tại những buổi uống bia “kiểu Mỹ” - phần ai nấy trả như thế, người tham dự cùng nhau chia sẻ quan điểm, phân tích liên quan tình hình an ninh hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi ít thì khoảng 8 người, khi đông lên đến vài chục người, các buổi gặp mặt của CIMSEC thường tập trung giới nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan. Trong các thảo luận, Biển Đông cũng luôn là một chủ đề thu hút quan tâm mạnh mẽ - như Scott từng nói rằng: “Sẽ là vô nghĩa khi nói đến an ninh hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương mà không bàn chuyện Biển Đông”.
Đó cũng là nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế ở Washington D.C. Chia sẻ trên đường về sau khi kết thúc một buổi gặp mặt ở gần Lầu Năm Góc, Scott từng nói với tôi rằng: “Tranh chấp Biển Đông chắc chắn còn kéo dài rất lâu. Bởi vậy, để hạn chế những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc ở vùng biển này, thì phải làm sao cho vấn đề Biển Đông luôn được quan tâm rộng rãi, không chỉ ở Washington D.C này mà còn nhiều nơi khác. Chỉ khi có sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, bên nào muốn “làm càn” cũng khó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.