Giải thích về tình trạng nhiều người được cho là tái nhiễm virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19, giáo sư Jin Dong-yan, một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Không phải là những người này bị nhiễm bệnh lần thứ hai hoặc nhiễm bệnh dai dẳng”.
Đó là do các xét nghiệm đối với bệnh COVID-19 không được thực hiện đúng cách ngay từ đầu, theo tờ South China Morning Post dẫn lời ông Jin Dong-yan.
Các yếu tố khác nhau có thể khiến kết quả xét nghiệm không chính xác, bao gồm chất lượng của bộ dụng cụ xét nghiệm và cách thu thập cũng như lưu trữ mẫu xét nghiệm, chuyên gia Jin nói.
Theo tiêu chí xét nghiệm của Trung Quốc, mọi người có thể được xuất viện nếu nhiệt độ cơ thể bình thường trong 3 ngày, họ không có vấn đề về hô hấp và hình ảnh chụp CT cho thấy các tổn thương ở ngực đã được cải thiện đáng kể. Họ cũng phải có kết quả âm tính đối với virus Corona trong hai xét nghiệm PCR liên tiếp cách nhau ít nhất một ngày. Xét nghiệm PCR giúp xác định một người có nhiễm virus Corona hay không.
Wang Chen, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc, hồi tháng 2 cho biết rằng chỉ có 30-50% số trường hợp được xác nhận có kết quả dương tính với virus Corona trong các xét nghiệm PCR, và việc lấy mẫu dịch hầu họng có thể tạo ra nhiều kết quả âm tính giả.
Do đó, các cơ quan y tế Trung Quốc đã đề nghị kết hợp lịch sử dịch tễ, các biểu hiện lâm sàng và hình ảnh với xét nghiệm PCR trong chẩn đoán virus Corona gây bệnh COVID-19.
Bình luận (0)