Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng trên có thể làm gia tăng xác suất truyền vi khuẩn siêu kháng thuốc từ mòng biển sang con người, gia súc và thú cưng, theo Đài ABC hôm 10.7.
Một đội ngũ do các nhà nghiên của Đại học Murdoch tại thành phố Perth dẫn đầu phát hiện hơn 20% số mòng biển trên toàn nước Úc đang mang trên người những chủng vi khuẩn nguy hiểm và kháng thuốc.
Đây là một diễn biến mới trong bối cảnh các vi khuẩn siêu kháng thuốc đang trỗi dậy ở mức độ nguy hiểm trên toàn cầu, và trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe con người và an ninh thực phẩm, theo Tổ chức Y tế Thế giới và chính phủ Úc.
Vi khuẩn ở mòng biển có thể lây sang con người nếu họ vô tình ăn trúng sau khi tay bị dính phân loài chim biển.
Tiến sĩ Mark O’Dea của Đại học Murdoch cho hay các phụ huynh nên cảnh giác khi cho con trẻ chơi đùa tại nơi thường có mòng biển đậu, vì chúng chỉ cần chạm tay dính vi khuẩn lên miệng hoặc ăn uống mà không rửa tay sau khi chơi là có thể nhiễm siêu vi khuẩn.
Tình trạng càng thêm báo động khi các chuyên gia phát hiện một số mẫu phân của mòng biển chứa vi khuẩn vô hiệu hóa được các loại kháng sinh là phòng tuyến chống chọi cuối cùng của con người, như carbapenem.
Bên cạnh đó, một con mòng biển ở bãi biển Cottesloe ở thành phố Perth được xác định kháng colistin, cũng thuộc nhóm carbapenem.
Bình luận (0)