Giáo sư Kenneth Rogoff (ảnh) của Đại học Harvard (Mỹ), từng là kinh tế gia trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), có bài phân tích độc quyền gửi Thanh Niên về tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế toàn cầu.
|
Vài tháng tới đây sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều về đường hướng khôi phục kinh tế trên toàn cầu. Dù các thị trường chứng khoán vẫn hoạt động sôi nổi, sự bất ổn vì dịch Covid-19 vẫn lan tỏa khắp chốn. Vì thế, nhiều khả năng Covid-19 sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng vô cùng lâu dài đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, việc làm và chính trị.
Viễn cảnh vắc xin
Hãy bắt đầu với thông tin có lẽ tốt lành. Trong một viễn cảnh lạc quan, giới chức trách sẽ thông qua ít nhất 2 vắc xin Covid-19 thế hệ đầu tiên vào cuối năm nay. Nhờ vào sự hỗ trợ tài chính và chính sách đặc biệt của chính phủ, các vắc xin trên sẽ được đưa vào sản xuất thậm chí trước khi các cuộc thử nghiệm trên người kết thúc. Ước tính sẽ có khoảng 200 triệu liều vào cuối năm 2020, và hàng tỉ liều sẽ được sản xuất. Thế nhưng việc phân phối chúng cũng là cả vấn đề lớn, một phần do cần phải thuyết phục công chúng rằng vắc xin dạng này vẫn an toàn cho sử dụng.
Dự kiến vào cuối năm 2021 công dân các nước giàu sẽ tiếp cận được vắc xin (nếu muốn). Còn ở Trung Quốc, hầu như lúc đó ai cũng được tiêm vắc xin. Vài năm sau, vắc xin sẽ đến tay phần còn lại của dân số thế giới, bao gồm người dân các nước đang trỗi dậy và đang phát triển. Đây là kịch bản không còn gì tuyệt vời hơn, nhưng trên thực tế vẫn bị cho là khó. Vi rút Corona chủng mới cho thấy chúng ngoan cố hơn vẫn tưởng nên không thể loại trừ khả năng các vắc xin thế hệ đầu tiên chỉ duy trì được hiệu quả trong thời gian ngắn, hoặc gây ra phản ứng phụ khó lường.
Khi đó, các điều kiện kinh tế sẽ vẫn được cải thiện dần nhờ các quy định liên quan xét nghiệm, nỗ lực phát triển các liệu pháp điều trị hiệu quả hơn, sự phối hợp hiệu quả hơn của công chúng, và (hy vọng) giới chính khách đưa ra các chỉ dẫn về hành vi.
|
Ác mộng chồng ác mộng
Tuy nhiên, trong một viễn cảnh ảm đạm hơn, những cuộc khủng hoảng khác vẫn có thể xuất hiện trước khi cơn ác mộng này chấm dứt, chẳng hạn như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng mạnh, cuộc tấn công khủng bố qua mạng hoặc chiến tranh mạng, thảm họa thiên nhiên có liên quan khí hậu, hoặc xảy ra động đất cường độ khủng khiếp. Vì thế, thế giới khó có thể nhanh chóng quay lại thời điểm thu nhập như vào cuối năm 2019.
Dù đại dịch khiến tình trạng bất bình đẳng trong các nền kinh tế phát triển thêm rõ ràng hơn, ảnh hưởng nặng nề ở các nước nghèo, nhưng nhiều thị trường đang trỗi dậy, thậm chí các nền kinh tế phát triển nhiều khả năng sẽ còn chật vật vì Covid-19 trong những năm tới, và đối mặt khả năng thực sự là mất đi cả thập niên phát triển. Suy cho cùng, chỉ có vài chính phủ đủ năng lực cung cấp sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp như quy mô đang diễn ra tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tình trạng suy thoái kéo dài ở những quốc gia thu nhập thấp hơn nhiều khả năng sẽ dẫn đến các núi nợ khổng lồ và khủng hoảng về lạm phát.
Dịch Covid-19 cũng có thể để lại các vết sẹo hằn sâu và kéo dài ở các nền kinh tế phát triển. Các doanh nghiệp có lẽ sẽ khó tính hơn trong việc đầu tư và tuyển dụng, do quan ngại về sự tái diễn của dịch Covid-19 hoặc đại dịch mới phát sinh, chứ chưa vội đề cập sự biến động chính trị dữ dội mà dịch bệnh đang tác động. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 sẽ gây ra ảnh hưởng dài hạn đối với chi phí sản xuất. Vào thời điểm đại dịch chấm dứt, cả thế hệ thiếu nhi, đặc biệt các em xuất thân từ những hộ gia đình thu nhập thấp, đã mất cả năm học. Giới thanh niên chật vật tìm việc làm đầu tiên trong khi mức thu nhập nhận được lại thấp hơn mức vốn có.
|
Những điểm sáng hiếm hoi
Vẫn có vài điểm sáng. Dù dịch Covid-19 khiến giá trị bất động sản giảm mạnh tại nhiều thành phố, nó có thể dẫn đến làn sóng đầu tư và xây dựng mạnh mẽ ở các khu vực ngoại ô, cũng như tại các thành phố nhỏ và vừa. Nhìn chung, các doanh nghiệp từng miễn cưỡng chấp nhận chuyện làm việc từ xa thì giờ đây nhận ra rằng đây là phương thức có thể vận hành tốt và mang lại nhiều lợi ích. Dịch bệnh có thể thúc đẩy giới hoạch định chính sách tìm ra những biện pháp cung cấp internet băng thông rộng phổ biến hơn, và cho phép các trẻ em không có điều kiện được phép tiếp cận máy tính cá nhân.
Nền kinh tế toàn cầu giờ đây đang đứng ở ngã ba đường. Nhiệm vụ quan trọng nhất của giới hoạch định chính sách là phải nỗ lực giảm thiểu sự bất ổn đang đeo bám, trong khi tiếp tục cứu trợ khẩn cấp cho những cá nhân và lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, sự bất ổn mà dịch Covid-19 mang lại nhiều khả năng sẽ còn đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong thời gian dài sau khi nhân loại đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất.
@Project Syndicate (Thụy Miên chuyển ngữ)
Bình luận (0)