“Khi ngày bầu cử gần kề, vấn đề bỏ phiếu trở thành chủ đề thường ngày của các đồng nghiệp tại công ty. Sau giờ làm việc, tôi cũng như nhiều người gốc Việt khác theo dõi tin tức liên quan đến bầu cử trên truyền hình hoặc dùng điện thoại đọc tin tức”, ông Jason Nguyen ngụ tại TP.Garden Grove (bang California) chia sẻ với Thanh Niên.
Bỏ phiếu qua thư
Trong bối cảnh tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, nhiều cử tri lựa chọn hình thức bỏ phiếu qua thư. Chị Tracy Tran (ở bang California) cho biết: “Trước đây, tôi thường đi bầu trực tiếp nhưng năm nay, tôi chọn bỏ phiếu bằng đường bưu điện vì lo ngại Covid-19”.
Một số cử tri khác buộc phải chọn lá phiếu qua đường bưu điện vì công việc bận rộn. “Mỗi người có một công việc khác nhau với thời gian làm việc khá dày đặc nên gia đình tôi thường bỏ phiếu qua bưu điện và năm nay cũng vậy. Lá phiếu được gửi đến tận nhà và chúng tôi chỉ điền đầy đủ thông tin rồi gửi lại cho nhân viên bưu điện”, ông Nguyen Duc ở TP.Tacoma (bang Washington) cho biết.
Tại mỗi thành phố đều có những thùng phiếu được đặt tại các địa điểm thuận tiện và an toàn để cử tri đến bỏ phiếu. Thư bầu cử không cần dán tem. Nếu cử tri nào không đi ra ngoài được thì có thể liên hệ để bưu điện cử nhân viên đến tận nhà lấy thư bầu.
“Tôi nhận thấy công tác chuẩn bị cho bầu cử năm nay rất chu đáo và chuyên nghiệp. Ngoài các điểm bỏ phiếu truyền thống, thùng bỏ phiếu được đặt nhiều nơi, khắp mọi góc phố nhằm đảm bảo quyền lợi cho cử tri và giãn cách xã hội phòng Covid-19”, ông Nguyen Duc đánh giá.
Chọn bỏ phiếu qua thư, ông Lũy Đặng (ở bang Georgia) còn chia sẻ thêm rằng cuộc bầu cử năm nay nhiều bất tiện như dịch bệnh Covid-19, rồi các nước bên ngoài (mà theo chính phủ cáo buộc là Nga, Iran, Trung Quốc - NV) cũng có mức độ can thiệp nhiều hơn, các nhóm cánh hữu như Proud Boys và phe ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump hăm dọa người đi bầu nhiều hơn.
|
Hẹn nhau đi bầu
Chị M.Đ.L (ngụ bang Maryland) kể vợ chồng chị đã nhận được phiếu bầu gửi đến nhà qua đường bưu điện. Trong khi vợ chồng chị chọn hình thức gửi lá phiếu qua đường bưu điện thì con gái anh chị cho biết sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử 3.11.
Tương tự con gái chị M.Đ.L, nhiều người vẫn chọn hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Chẳng hạn, vợ chồng bà Ha Nguyen ở TP.San Jose (bang California) dự định đến phòng phiếu để trực tiếp bỏ phiếu vào thùng. “Đối với chúng tôi, ngày bầu cử còn là cơ hội gặp gỡ những người thân quen và mọi người thậm chí hẹn ngày giờ cụ thể để cùng đến điểm bỏ phiếu trực tiếp. Chúng tôi không quá lo lắng về Covid-19 vì luôn hành xử thận trọng nơi công cộng, tuân thủ đúng quy định giữ khoảng cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đứng cách nhau 2 m”, bà Nguyen chia sẻ.
Bên cạnh đó, những người bận rộn với công việc như cô Catherine Pham ở TP.Long Beach (bang California) vẫn cố sắp xếp thời gian để đi bầu. “Trước đây, cử tri chỉ bỏ phiếu trực tiếp trong ngày 3.11. Năm nay, do tình hình dịch, mọi người có thể đi bầu từ ngày 30.10 - 3.11 hoặc một số bang tổ chức bỏ phiếu sớm hơn”, cô Pham lưu ý.
|
Cần tổng thống có thể nối kết 2 đảng
Các cử tri gốc Việt trả lời phỏng vấn Thanh Niên đã có quyết định của riêng mình về ứng viên tổng thống.
Chị M.Đ.L (ngụ bang Maryland) cho biết vợ chồng chị chọn Tổng thống Trump vì lãnh đạo Mỹ “nói là làm” và có chính sách chống Trung Quốc quyết liệt. Trong khi đó, ông Lũy Đặng (ngụ bang Georgia) chia sẻ: “Bản thân tôi cho rằng nước Mỹ đang đứng trước 3 vấn đề cấp thiết. Một là sự chia rẽ chính trị giữa đảng Cộng hòa với đảng Dân chủ, tả khuynh với hữu khuynh đang gay gắt hơn bao giờ hết. Hai là vấn đề bệnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sinh mạng người dân và nền kinh tế Mỹ. Ba là vấn đề sức khỏe cho toàn dân cần có một chính sách rõ ràng”.
Hơn 56 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm
Tính đến hôm qua, hơn 56 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, theo Reuters dẫn số liệu từ Dự án bầu cử Mỹ. Số cử tri bỏ phiếu sớm gia tăng sau khi nhiều bang ở Mỹ khuyến khích bỏ phiếu qua thư và bầu trực tiếp sớm nhằm đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành ở nhiều nơi.
Huỳnh Thiềm
|
Vì thế, ông Đặng nhận định nước Mỹ đang cần một tổng thống đủ sức làm việc với cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, biết lắng nghe các nhà khoa học để đánh giá đúng mức tình hình bệnh dịch Covid-19, đồng thời lèo lái đất nước vượt qua đại dịch với ít tổn hại nhất cho nền kinh tế. “Từ các thực tế trên, cá nhân tôi cho rằng ứng viên Joe Biden sẽ thắng cử lần này”, ông Đặng chia sẻ.
Còn cô Linh Tran, ở quận Cam (bang California), thì cho rằng: “Bất kể ủng hộ Tổng thống Trump hay ông Biden, cử tri gốc Việt đều kỳ vọng vị lãnh đạo tương lai mà họ đã chọn sẽ bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, có chính sách tạo ra nhiều việc làm và vực dậy nền kinh tế chịu tác động nặng nề vì đại dịch Covid-19”.
2 ứng viên đều hứa người dân sẽ được tiêm vắc xin miễn phí
Đài CNN hôm qua đưa tin ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch ứng phó đại dịch Covid-19 nếu ông đắc cử, bao gồm cung cấp miễn phí vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân. Ông Biden nói thêm sẽ yêu cầu các thống đốc ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các bang.
Thực tế, nhiều tháng qua, Tổng thống Trump cũng nói nên tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí cho người dân. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay vắc xin Covid-19 mua bằng tiền thuế, nên sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân.
Danh Toại
|
Bình luận (0)