So với 2 người tiền nhiệm gần nhất George W.Bush (đảng Cộng hòa) và Barack Obama (đảng Dân chủ) thì 2 tháng cầm quyền đầu tiên của ông Trump sóng gió hơn hẳn. Lý do là những bước đi chính sách của ông đưa ra đều gây tranh luận dữ dội trong chính trường lẫn xã hội Mỹ. Cú vấp mới nhất liên quan đến vấn đề chăm sóc y tế cho người dân, một trong những chủ điểm cam kết lớn của tổng thống Mỹ khi còn tranh cử.
Giữ lời với giới cử tri ủng hộ, ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20.1, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp đầu tiên chỉ thị giới hữu quan tìm cách giảm “gánh nặng kinh tế” từ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền của ông Obama (còn gọi là luật Obamacare), theo AFP.
Tuy nhiên đến ngày 24.3 (giờ Mỹ), ông Trump buộc phải “cay đắng” rút lại dự thảo Luật chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA hay Trumpcare) nhằm thay thế Obamacare ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Lý do là sự phản đối dữ dội từ đảng Dân chủ và cả đảng Cộng hòa, vốn kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã khuyên ông Trump rút lại dự luật và thừa nhận không thể vận động đủ nghị sĩ bỏ phiếu thông qua.
tin liên quan
Ông Trump thất vọng vì Hạ viện chặn dự luật thay thế ObamacareTổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24.3 cho biết rất thất vọng khi Hạ viện ngăn chặn dự luật chăm sóc y tế của ông.
Trước đó, Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ kết luận rằng trong vòng 10 năm tới (2017 - 2026), Trumpcare chỉ giúp tiết kiệm ngân sách 150 tỉ USD, thấp hơn so với 337 tỉ USD như ước tính ban đầu, nhưng sẽ khiến 24 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế, theo Reuters. Ngày 24.3, Tổng thống Trump tuyên bố ông “thất vọng” với kết quả này, nhưng vẫn nói cứng: “Tôi chưa bao giờ nói sẽ hủy bỏ Obamacare trong vòng 64 ngày cả”. Chủ nhân Nhà Trắng bình luận thêm: “Điều tốt nhất chúng ta có thể làm bây giờ là cứ để Obamacare tự sụp đổ. Việc tiếp theo của chúng ta là tiến hành cải cách thuế”.
Các chuyên gia nhận định sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa là một trong những lý do khiến Trumpcare “chết yểu”. “Đảng Cộng hòa đang có các đường đứt gãy chạy theo nhiều hướng khác nhau và bất kỳ đường nào cũng có thể gây ra động đất”, AFP dẫn lời Giáo sư John Pitney thuộc Đại học Claremont McKenna nhận định.
Tình trạng này có thể sẽ khiến Tổng thống Trump còn “vấp chân” nhiều lần trong tương lai nếu quan hệ với quốc hội không được cải thiện. Sắp tới, có thể sẽ tiếp tục xảy ra dư chấn khi quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách vào ngày 28.4. Nếu tiếp tục bế tắc vì bất đồng thì chính phủ Mỹ có nguy cơ không được cấp ngân sách để hoạt động.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng gặp trắc trở lớn với vấn đề di trú, một ưu tiên chính sách khác của ông. Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân 7 nước đã gây tranh cãi dữ dội và cuối cùng bị tòa án bác bỏ. Đến đầu tháng 3, Nhà Trắng “vớt vát” bằng một sắc lệnh khác có phần giảm nhẹ các quy định hơn nhưng vẫn bị tòa án liên bang ở Maryland và Hawaii đình chỉ nhiều điều khoản quan trọng.
tin liên quan
Tự giải thoátViệc quốc hội Mỹ trì hoãn tiến hành biểu quyết về cải cách y tế cho thấy dù đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp nhưng Tổng thống Donald Trump không chắc chắn có được sự ủng hộ của đa số các vị dân biểu.
Bình luận (0)