Cuộc đua vũ khí bội siêu thanh

Khánh An
Khánh An
20/09/2019 09:00 GMT+7

Dự luật ngân sách cho thấy Mỹ sắp đầu tư mạnh để nâng cao năng lực phòng thủ và tấn công bằng vũ khí bội siêu thanh , giữa lúc nhiều nước cũng phát triển loại vũ khí này.

Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật ngân sách cho tài khóa 2020 với khoản đầu tư 10,58 tỉ USD (245.545 tỉ đồng) cho Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA), tăng 1,2 tỉ USD so với đề xuất. Đáng chú ý, ủy ban này điều chỉnh tăng thêm khoảng 1 tỉ USD nhằm tăng cường năng lực bội siêu thanh so với đề xuất của Bộ Quốc phòng hồi tháng 3.

Mỹ tăng cường phòng thủ

Theo trang C4ISRNET, chỉ riêng trong chương trình phát triển hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm về phòng thủ tên lửa, Thượng viện tăng ngân sách lên gần 2 tỉ USD, trong khi trước đó Lầu Năm Góc đề xuất khoảng 1,4 tỉ USD. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa muốn đẩy mạnh đầu tư phòng thủ nhằm đối phó với vũ khí bội siêu thanh đang phát triển nhanh của Nga và Trung Quốc.
“Dự luật gồm các khoản đầu tư quan trọng về nghiên cứu căn bản và những công nghệ bội siêu thanh, 5G, trí tuệ nhân tạo, phòng thủ tên lửa và an ninh mạng. Ngày nay, chúng ta phải tiếp tục đầu tư để thể hiện cam kết đảm bảo lực lượng vũ trang được huấn luyện, trang bị và sẵn sàng hơn bất cứ bên nào khác trên thế giới”, theo thượng nghị sĩ Richard Shelby, Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện.

Phác thảo một mẫu tên lửa bội siêu thanh của hãng Dynetics (Mỹ)

Dynetics

Chuyên san The National Interest dẫn lời Giám đốc MDA Gary Pennett cho biết Lầu Năm Góc đang tìm cách giải quyết “khoảng trống về năng lực cảm biến và đánh chặn” của Mỹ đối với các vụ tấn công bội siêu thanh. “Mối đe dọa đang gia tăng đòi hỏi một mạng lưới thường trực toàn cầu để theo dõi nó từ đầu đến cuối”, ông Pennett phát biểu với báo giới về ngân sách của MDA.

Cuộc đua của nhiều nước

Tăng thêm các cơ sở đánh chặn

Theo Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) Gary Pennett, cơ quan này đang theo đuổi kế hoạch tăng số lượng các cơ sở đánh chặn trên mặt đất lên 64 cơ sở vào năm 2023, trong đó có 20 cơ sở mới tại Alaska nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Iran và CHDCND Triều Tiên. Ông nhấn mạnh tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên có thể phóng tầm thấp đến lục địa Mỹ, trong khi Iran có thể sẽ sớm đủ năng lực chế tạo tên lửa có thể bắn đến Mỹ.
Về chương trình phát triển vũ khí bội siêu thanh, dự luật đề xuất chi 576 triệu USD cho không quân phát triển các nguyên mẫu, bên cạnh 228 triệu USD cho lục quân và 150 triệu USD phát triển các bộ phận dùng chung cho các thiết bị bội siêu thanh. Ngoài ra, ngân sách sẽ dành 225 triệu USD cho việc thử nghiệm và đánh giá hạ tầng trong các lĩnh vực bội siêu thanh, không gian, vũ khí năng lượng và môi trường mạng.
Vũ khí bội siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 5 (6.173 km/giờ) nên khó có thể đánh chặn. Hồi tháng 6, Không quân Mỹ lần đầu tiên thực hiện chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược B-52 chở theo tên lửa bội siêu thanh AGM-183A của Lockheed Martin, được cho là có tốc độ tối đa đạt đến Mach 20. Hãng đã ký hợp đồng phát triển tên lửa bội siêu thanh cho quân đội Mỹ với tổng trị giá 928 triệu USD, nhưng không tiết lộ số lượng cụ thể. Dự kiến AGM-183A sẽ được trang bị cho không quân Mỹ vào năm 2022 trong bối cảnh nước này đang chạy đua với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển vũ khí bội siêu thanh.
Tại Nga, tên lửa bội siêu thanh Kinzhal đã được thử nghiệm ít nhất 3 lần và phóng 12 lần từ máy bay MiG-31. Trong khi đó, Trung Quốc vào tháng 8.2018 tuyên bố thử nghiệm thành công máy bay bội siêu thanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.