Điện Kremlin và Nhà Trắng cùng thông báo 2 nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào chiều 7.7, bên lề Hội nghị cấp cao G20 tại TP.Hamburg (Đức). Lần chạm mặt trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin là điều mà dư luận và giới phân tích chờ đợi từ lâu. Dù quan hệ song phương đang trong thời kỳ khá căng thẳng vì nhiều vấn đề, nhưng nguyên thủ Nga và Mỹ hiện được cho là có thiện cảm với nhau hơn so với thời Tổng thống Barack Obama.
Cân não
|
|
|
Động lực trong quan hệ giữa 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới hiện không mấy khả quan và đã đến lúc kêu gọi ngừng ngay những gì có thể gây leo thang
|
|
|
Chuyên gia Matthew Rojansky thuộc Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ)
|
|
|
Theo CNN, mỗi khi các nhà lãnh đạo Nga - Mỹ gặp nhau, từng cử chỉ, thần thái và lời nói của họ đều bị “soi” rất kỹ. Cả Tổng thống Trump lẫn Tổng thống Putin đều là những vị nguyên thủ có phong thái mạnh mẽ, dễ gây “khớp” cho người đối diện. Vì thế, cuộc gặp đầu tiên giữa hai người càng trở thành tâm điểm chú ý, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, ông Putin rõ ràng có kinh nghiệm tham dự các cuộc thượng đỉnh hơn hẳn người đồng cấp Mỹ nên một số chuyên gia cho rằng chủ nhân Nhà Trắng khó sử dụng lại cách bắt tay thể hiện “cửa trên” như trong các sự kiện quốc tế trước đây.
Cho tới thời điểm này, Nga đã gầy dựng được vai trò mà không bên nào có thể bỏ qua trên bàn cờ chính trị - an ninh Trung Đông, đặc biệt là tại Syria, trong khi nền kinh tế nước này bước đầu vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Mặt khác, Nga vẫn đang trong thế bị phương Tây cô lập và phải hết sức dè chừng các động thái của NATO ở khu vực phía đông châu Âu. Nước này cũng rất cần hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ở phía bên kia, Tổng thống Trump còn gặp sức ép nặng nề hơn khi đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề đối nội. Trong đó, tốn nhiều giấy mực nhất chính là cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái cũng như sự liên hệ giữa những nhân vật cấp cao trong Nhà Trắng với Moscow. Bên cạnh đó, từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, Mỹ và các đồng minh truyền thống tại châu Âu không còn gắn bó như trước. Vì thế, bà Julie Smith, cựu cố vấn của ông Barack Obama, cho rằng bất kỳ biểu hiện “vồn vã hay vui vẻ quá mức” trong cuộc gặp đều sẽ khiến quốc hội Mỹ lẫn châu Âu thêm “nhướng mày”. Thậm chí, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng Tổng thống Trump cần nêu mối hoài nghi về việc Nga can thiệp bầu cử.
Nhạy cảm
|
|
Tổng thống Trump công du châu Âu
Ngày 5.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm châu Âu với điểm dừng đầu tiên tại Ba Lan, trước khi tới Đức dự Hội nghị cấp cao G20. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông chủ Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức. Giới quan sát nhận định đây là cơ hội mới để Tổng thống Trump giải quyết khác biệt quan điểm với giới lãnh đạo châu Âu trong nhiều vấn đề, phần nào làm ấm lại quan hệ đang lạnh nhạt hiện nay
|
|
|
CNN dẫn lời các nhà quan sát nhận định quan hệ Nga - Mỹ đang trong giai đoạn mà chỉ cần một tính toán sai lầm cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường, không những cho hai nước mà cả thế giới. “Động lực trong quan hệ giữa 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới hiện không mấy khả quan và đã đến lúc kêu gọi ngừng ngay những gì có thể gây leo thang”, chuyên gia Matthew Rojansky thuộc Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ) nhận định.
Xung đột là điều không ai muốn và cả hai nhà lãnh đạo đều có trọng trách ngăn chặn “quỹ đạo đáng báo động” trong mối quan hệ song phương. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cuộc gặp sắp tới sẽ là cơ hội để hàn gắn. “Tôi tin rằng cả hai nước đều có trách nhiệm và cơ hội để tạo một bước tiến đáng kể không chỉ bằng việc cải thiện quan hệ song phương mà còn hợp tác giải quyết tình hình quốc tế. Căng thẳng giữa Nga và Mỹ xảy ra thường xuyên trước đây và đều đã vượt qua”, Reuters dẫn lời nhà ngoại giao kỳ cựu nói.
Hôm 4.7, Cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov khẳng định Moscow và Washington có nhiều vấn đề cần được thảo luận ở cấp cao nhất, do đó cuộc hội đàm giữa hai vị tổng thống là rất quan trọng. Mặc dù thừa nhận khó có thể đạt được thỏa thuận cụ thể nào, nhưng cố vấn Ushakov lạc quan rằng cuộc gặp sẽ giúp ích cho việc giải quyết các vấn đề khúc mắc, đồng thời thúc đẩy hợp tác. Trong khi đó, mức độ nhạy cảm của cuộc gặp thượng đỉnh đối với Mỹ thể hiện rõ qua việc Nhà Trắng từ chối công bố thông tin chi tiết. Reuters dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster tuyên bố đây là cuộc gặp “bình thường” và “không lên sẵn chương trình nghị sự”. Thay vào đó, Tổng thống Trump sẽ “nói những gì ông muốn”.
Truyền thông Mỹ cũng tỏ ra kém lạc quan hơn khi cho rằng cuộc gặp cao lắm là sẽ giúp 2 nhà lãnh đạo củng cố thiện cảm cá nhân hơn là giúp hai nước vượt qua mọi bất đồng.
Bình luận (0)